Phát biểu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa hoạc, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Lê Quang Huy cho biết: Về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng (khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, làm rõ việc giới hạn có làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Vì sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, cần làm rõ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy cho biết: Băng tần dành cho thông tin di động là hữu hạn. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ thâu tóm lượng lớn tần số, các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.
Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp, không trái với khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013, Luật Cạnh tranh.
Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy, kinh nghiệm quốc tế tại 22 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có 19/22 quốc gia (chiếm 86%) quy định giới hạn băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật.
Về phương thức cấp phép (khoản 5, 6, 7, 8 Điều 1 dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, nguyên nhân là ở quy định của pháp luật hay vướng mắc trong thực tiễn triển khai và giải pháp khắc phục. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT báo cáo về một số vướng mắc dẫn đến 13 năm qua chưa đấu giá tần số VTĐ và giải pháp khắc phục như sau:
Vướng mắc trong quy định pháp luật: Năm 2010, Luật Tần số VTĐ có hiệu lực. Trong giai đoạn 2010 - 2014, các doanh nghiệp viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần do vừa mới được cấp phép băng tần cho mạng 3G thông qua thi tuyển vào năm 2009 và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai mạng 3G. Trong những năm này, các quy định pháp luật về đấu giá tần số VTĐ đã cơ bản được hoàn thiện. Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá các băng tần này. Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu và phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số VTĐ. Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng Nghị định. Cuối năm 2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền sử dụng tần số VTĐ, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ đối với băng tần.
Vướng mắc trong thực tiễn triển khai: Đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá.
Về giải pháp Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy cho biết dự thảo Luật bổ sung quy định (khoản 5 và khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật) nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua. Thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số VTĐ có giá trị thương mại cao, áp dụng đối với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp; Làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp; Giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp.
Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần (khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy cho biết: Một số ý kiến đề nghị làm rõ tại sao có quy định các mốc thời gian doanh nghiệp phải nộp đề nghị cấp lại là 3 năm và 6 tháng; có thể nâng từ 3 năm lên thành 5 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động phương án kinh doanh không.
Theo Thường trực Ủy ban KH, CN&MT, quy định tại dự thảo Luật đặt ra hai mốc thời gian: 3 năm là thời điểm xem xét doanh nghiệp có nằm trong diện được cấp lại hay không, để doanh nghiệp chuẩn bị các phương án kinh doanh mới; 6 tháng là thời điểm để doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, cơ quan quản lý thực hiện các thủ tục, cấp giấy phép và thu tiền cấp quyền sử dụng tần số VTĐ. Trong đó, khoảng thời gian xem xét cấp lại giấy phép cần đảm bảo đủ dài. Trường hợp không được cấp lại giấy phép, doanh nghiệp còn có thời gian để thực hiện chuyển đổi mạng lưới và khách hàng. Nếu dài quá (thí dụ 5 năm) thì việc quy hoạch tần số VTĐ có thể không theo sát sự thay đổi của công nghệ. Tham khảo kinh nghiệm 32 quốc gia trên thế giới có quy định về cấp lại giấy phép trong Luật, thời điểm xem xét cấp lại sớm nhất là 3 năm trước khi giấy phép hết hạn. Vì vậy, việc chọn các mốc thời gian như dự thảo Luật là phù hợp.