Ngành Công Thương đón nhận Huân chương Độc Lập

Ngày 9/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 - 14/5/2011) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương đã đến dự.

Cách đây 60 năm, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Công Thương Việt Nam. Trải qua 60 năm phát triển và trưởng thành, các thế hệ ngành Công Thương Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đến nay, ngành Công Thương đã trở thành ngành có đóng góp lớn nhất trong GDP và thu ngân sách hàng năm của cả nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, những thành tích xuất sắc và đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động ngành Công Thương Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển 60 năm qua.

Thủ tướng nêu rõ, bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đều lớn và đan xen, ngành Công Thương phải tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được Đảng ta xác định là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần tiếp tục nỗ lực để hình thành đồng bộ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển; làm tốt công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, qui hoạch vùng, lãnh thổ, các chương trình phát triển và các dự án quan trọng của ngành; có các giải pháp đồng bộ và phù hợp để phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả các ngành, lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, thương mại nội địa và quản lý tốt việc nhập khẩu. Tăng cường kiểm tra giám sát bảo đảm thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành và theo đúng các qui định của pháp luật.

Nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Thủ tướng yêu cầu ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân. Từng bước cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ... Trước mắt, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ xây dựng các nhà máy điện, huy động tối đa công suất hiện có; phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo việc tiết kiệm điện, phân bổ hợp lý để bảo đảm đáp ứng điện cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là trong mùa khô tới đây. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời điều hành và kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất, đời sống và giảm nhập siêu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng các qui định về kiểm soát nhập khẩu hàng hóa, vật tư, thiết bị của các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước (ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn do Chính phủ bảo lãnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước); tăng cường giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, nhất là các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, vật liệu nhập khẩu. Tổ chức tốt các hoạt động thương mại nội địa, bình ổn thị trường, giá cả, làm tốt hơn nữa công tác dự báo, chủ động và tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nghiêm túc các qui định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý ngoại tệ...

Thiện Thuật
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN