Ngành Kiểm sát phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2013 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Chủ tịch nước đánh giá cao ngành Kiểm sát đã tập trung nghiên cứu, thể chế hóa các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, triển khai xây dựng nhiều đề án về cải cách tư pháp, về tổ chức và xây dựng ngành, qua đó mạnh dạn và chủ động đề xuất với Đảng và Quốc hội về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân, tích cực tham gia vào quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị thiết thực trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân; làm tốt vai trò là cơ quan đầu mối trong tương trợ tư pháp về hình sự, mở rộng hơn quan hệ hợp tác với Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước, các tổ chức quốc tế.


Cùng với những cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã coi trọng việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI; quan tâm công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân.


Chủ tịch nước cho rằng, một số lĩnh vực, bên cạnh những thành tích đã đạt được hoạt động của ngành Kiểm sát còn có những hạn chế, yếu kém như: Việc thực hiện kiểm sát các hoạt động điều tra chưa chặt chẽ và thực hành quyền công tố còn một số hạn chế nên còn bỏ lọt tội phạm, vẫn còn xảy ra một số trường hợp bị oan sai; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của một số kiểm sát viên còn thấp...


Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngành Kiểm sát nhân dân phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về mọi mặt, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Trước hết, ngành Kiểm sát cần tiếp tục quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Cần phải nêu cao gương phụng công thủ pháp, chí công vô tư để nhân dân noi theo” và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, nhất là Nghị quyết 49 và các Thông báo, Kết luận của Bộ Chính trị về hoạt động tư pháp nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, tạo sự thống nhất về nhận thức và hoạt động trong toàn ngành. Xây dựng mối quan hệ công tác giữa Viện Kiểm sát nhân dân với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao; tích cực góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật. Ngành kiểm sát nhân dân phải tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; kiên quyết, công tâm và bản lĩnh hơn nữa, bảo đảm việc tuân theo pháp luật được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các giai đoạn tố tụng và với bất kỳ ai vi phạm pháp luật. Muốn vậy, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đòi hỏi mỗi cấp kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, đổi mới và chuyên nghiệp hơn nữa.


Chủ tịch nước đánh giá cao ngành Kiểm sát nhân dân đã có kế hoạch tổ chức trong toàn ngành lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đề nghị ngành thảo luận sâu sắc, toàn diện các quy định của Hiến pháp, trong đó tập trung vào các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, cần làm rõ những nội dung tán thành hoặc chưa tán thành, những nội dung cần bổ sung mới; hoàn thiện cơ sở pháp lý để Viện Kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng Viện Kiểm sát thực sự trở thành một thiết chế hữu hiệu trong việc kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.


Trước yêu cầu đổi mới toàn diện, mạnh mẽ về tổ chức cán bộ, chức năng và nhiệm vụ, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của Viện Kiểm sát nhân dân còn hạn chế, Chủ tịch nước đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về kinh phí để xây dựng đề án phát triển của ngành, báo cáo với Đảng, Nhà nước xem xét, quyết định, đảm bảo cho hoạt động, nhất là các hoạt động đặc thù của ngành, trước hết là đầu tư chuẩn bị cho việc thực hiện chủ trương tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân khu vực tới đây.


 

Hoàng Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN