Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tham dự Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị.
Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng dự.
Nâng cao vai trò ngành Nội chính Đảng
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương và các ý kiến phát biểu tham luận, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, sau gần 10 năm tái lập và hoạt động, vị thế, vai trò của ngành Nội chính Đảng ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ toàn Ngành thường xuyên được kiện toàn, củng cố; quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả.
Năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tình hình thế giới, khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định. Đất nước ta, mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức…
Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới được nêu trong Báo cáo của Ban trình bày tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị ngành Nội chính Đảng cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng các chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tập trung tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Cải cách tư pháp, nhất là nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng; tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong quá trình thực thi nhiệm vụ; sửa đổi Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu hai yêu cầu trong công tác kiểm soát quyền lực và bảo vệ cán bộ. Theo đó, một mặt phải kiểm soát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để ngăn ngừa sai phạm, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng tiêu cực nhưng đồng thời phải có cơ chế bảo vệ cán bộ trong những cơ quan này.
Cùng với đó ngành Nội chính tiếp tục thực hiệu có hiệu quả nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính Trung ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát...
Ngành Nội chính tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Chia sẻ với ý kiến tham luận phát biểu nêu về hiện tượng cán bộ có tâm lý e ngại trong thực thi công vụ, "làm sợ sai nên không dám làm", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chúng ta trừng trị cái xấu nhưng đồng thời chúng ta cũng khuyến khích người làm đúng, người làm tốt. Chúng ta thúc đẩy phát triển. Còn để xảy ra tâm lý e ngại trong thực hiện công việc thì phải nhận định rằng đó là thái độ tiêu cực. Các cấp ủy phải lưu ý, chú ý để khắc phục điểm này. Ban Nội chính, các ban Đảng tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, không để những tư tưởng tiêu cực đó hình thành, len lỏi, lấy lý do đó làm chậm lại công việc của Đảng, của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với việc tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phải hết sức coi trọng, chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sai phạm, ngành Nội chính nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nêu bật tầm quan trọng của công tác chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, nhắc nhở cán bộ, đảng viên để tránh vi phạm khuyết điểm từ sớm, không để tích tụ khuyết điểm, vi phạm nhỏ thành khuyết điểm, vi phạm lớn, dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật.
Ngành Nội chính tập trung làm rõ sai phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, tài sản công, định giá... Chủ động hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tiếp tục tham mưu, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Chia sẻ thêm về nội dung này, nhấn mạnh về công tác phòng sao cho hiệu quả, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, trong quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp … không thể tránh khỏi sai sót, nhưng điều quan trọng nhất trong quản trị là không để sai lầm tương tự như vậy lặp lại, diễn ra. Do đó, phải có nghiên cứu và tính toán, giám sát quá trình xây dựng pháp luật trên một số lĩnh vực như thế nào để không nảy sinh tiêu cực, để ngăn ngừa từ sớm, từ xa những sai phạm từ gốc, để pháp luật chặt chẽ hơn, để "không thể tham nhũng" được.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, ngành Nội chính cần nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp… không để phát sinh điểm nóng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Tập trung tham mưu chỉ đạo xử lý hiệu quả, kịp thời các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của Đảng. Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo hai tổ chức hội rất quan trọng là Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, để các tổ chức này hoạt động hiệu quả vì mục tiêu bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngành Nội chính tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng có năng lực, trình độ, nắm vững các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai, đặc biệt, phải thật sự liêm chính; hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị ban thường vụ các tỉnh, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa vào Chương trình công tác năm 2023 để thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư; khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế còn tồn tại, nhất là về kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; về phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự; về tham mưu phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, ngành Nội chính tiếp tục nắm vững chức năng, nhiệm vụ, thực hiện "đúng vai, thuộc bài". Đúng vai là thực hiện đúng chức năng của cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp. "Thuộc bài" là phải nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trước hết là về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; nắm vững và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, không làm thay việc của cơ quan khác; có kỹ năng và phương pháp công tác tốt.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ chuyên gia và cộng tác viên chuyên sâu trên các lĩnh vực; đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan nội chính; khiêm tốn, cầu thị, liêm chính, bản lĩnh, công tâm, thường xuyên học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo báo cáo, năm 2022, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của ngành Nội chính Đảng. Toàn ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quy định quan trọng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực và cải cách tư pháp. Ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tạo bước chuyển biến mới trong công tác này. Năm 2022, các bộ, ngành đã chuyển 498 vụ việc, địa phương đã chuyển 181 vụ việc có dấu hiệu tội hạm phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, tăng hơn 2 lần so với năm 2021.
Ngành Nội chính đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác giám định, định giá tài sản. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2022 đã thu hồi được hơn 27.400 tỷ đồng, tăng 18.000 tỷ đồng so với năm 2021; chủ động, kịp thời tham mưu đưa nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo…
Các tỉnh ủy, thành ủy đã triển khai nghiêm túc, kịp thời chủ trương của Trung ương về thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt đã rà soát, đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, xử lý trên 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp ở địa phương…