Quyết liệt phòng chống tham nhũng
Ngày 25/7 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ 18 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020; cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 về phòng chống dịch bệnh, kinh tế, xã hội, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng tiếp tục được dư luận, nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình, đánh giá cao, nhất là vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, khẳng định rõ công tác phòng chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống”, mà tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, hiệu quả hơn, với những kết quả nổi bật.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 21.943 tỷ đồng và 507 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 805 tập thể, 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 42 vụ, 46 đối tượng; hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều vụ án, bị can; xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài; tập trung điều tra, làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm trong một số vụ án, vụ việc có liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt yêu cầu.
Từ sau Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý dứt điểm 6 vụ án, bổ sung mới 1 vụ án; khởi tố mới 13 vụ án/16 bị can; phục hồi điều tra 3 vụ án/5 bị can; mở rộng điều tra, khởi tố thêm 55 bị can trong 11 vụ án; kết thúc điều tra 11 vụ án/63 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ án/44 bị can; xét xử sơ thẩm 9 vụ án/27 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/47 bị cáo. Nhất là, đã tập trung điều tra, làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm trong một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế có liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý đối với các vụ án: Vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án xảy ra tại Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Cơ quan chức năng đã hoàn thành xét xử một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: Vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân; vụ án xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone; vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Đà Nẵng.
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Từ nay đến hết năm 2020, phấn đấu kết thúc điều tra 15 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án, xét xử sơ thẩm 20 vụ án, xét xử phúc thẩm 6 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 19 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhất là tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 09 vụ án trọng điểm theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Chín vụ án trọng điểm gồm:
-Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
- Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh;
-Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan;
- Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ;
- Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan;
-Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên;
- Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn;
- Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”;
- Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Quản lý chặt cửa khẩu, ngăn chặn nhập cảnh trái phép
Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/7/2020 về phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu bình tĩnh nhưng không chủ quan; kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, ngăn chặn nhập cảnh trái phép…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng do thời gian dài nên đã xuất hiện tình trạng lỏng lẻo, chủ quan, sự dễ dãi ở một số ngành, địa phương trong thực thi công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là xuất hiện tình trạng người nước ngoài xâm nhập trái phép, bất hợp pháp vào Việt Nam do biện pháp quản lý chưa chặt chẽ. Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị nhất là các ngành Quân đội, Công an và các lực lượng có liên quan, Thủ tướng nói.
Với việc xuất hiện bệnh nhân 416 tại Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và thành phố Đà Nẵng bình tĩnh xử lý, xử lý kiên quyết, kịp thời tại các địa điểm, khu vực bệnh nhân này đã đến và sinh hoạt. Thủ tướng chỉ đạo thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục điều tra, truy vết, cách ly tập trung đối với những người liên quan đến bệnh nhân 416 đảm bảo an toàn; chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch và đảm bảo an toàn cho thành phố.
Về việc có hay không tổ chức giãn cách xã hội tại 2 quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ động xem xét quyết định cụ thể trên tinh thần đảm bảo an toàn nhưng không gây hoang mang cho người dân. Áp dụng những biện pháp mạnh về khoa học và công nghệ trong truy vết; tiếp tục áp dụng các biện pháp đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.
Thủ tướng chỉ đạo ngành Y tế tăng cường chuyên gia, phương tiện cứu chữa và điều trị cho bệnh nhân 416.
Trước tình trạng xuất hiện tình trạng lơ là, không thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương yêu cầu các tổ chức cá nhân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, nhất là tại các thành phố lớn. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên như rửa tay xà phòng, sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi đông người. Cùng với khoanh vùng dập dịch tại Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu tập trung quản lý chặt chẽ việc qua lại tại các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là Bộ Quốc phòng; có biện pháp ngăn chặn nhập cảnh trái phép.
Chiều 25/7: Việt Nam ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 thứ 417 là người nhập cảnh
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến 18 giờ ngày 25/7, Việt Nam ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 thứ 417 là người nhập cảnh. Trước đó, trưa 25/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã thông tin về ca bệnh thứ 416 tại Đà Nẵng, là ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam sau gần 100 ngày.
Ca bệnh 417 (BN417): Bệnh nhân nữ, 5 tuổi, có địa chỉ tại Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ngày 9/7, bệnh nhân từ Liên bang Nga về Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VN5062 và được cách ly ngay sau nhập cảnh tại tỉnh Bạc Liêu. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần ngày 10/7 và 16/7, kết quả xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 24/7 mẫu lần 3 được gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm, kết quả ngày 25/7 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Như vậy, sau gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng (tính từ ngày 16/4 - 24/7), ngày 25/7, Việt Nam đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 365 trên tổng số 417 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 87,5% tổng số bệnh nhân). Việt Nam có tổng cộng 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.815.
Khởi tố nhóm đối tượng 'lập công ty ma' mua bán trái phép hóa đơn GTGT
Ngày 25/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thế Hải (sinh năm 1964) và Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1985) đều cư trú tại phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Đồng thời, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, quyết định hoãn xuất cảnh đối với Chu Quốc Vui (sinh năm 1961, trú xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) về tội “Trốn thuế”.
Theo hồ sơ điều tra, Phạm Thế Hải đã thành lập và điều hành Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thiên Tân Đạt, Công ty TNHH MTV Nam Thiên Đạt, Công ty TNHH MTV thương mại – dịch vụ An Lộc An Giang, DNTN Nguyễn Mộng và Công ty TNHH MTV Phạm Phúc Ánh để mua 19 hóa đơn (GTGT) của Công ty TNHH TM Việt Phong (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), để ghi khống hàng hóa với nhiều mức giá khác nhau, nhằm hợp thức hoá 7 hóa đơn GTGT khống (cho 23 đơn vị trong và ngoài tỉnh An Giang), thu lợi bất chính gần 2 tỷ đồng.
Với hành vi tương tự, Nguyễn Hoàng Sơn mua 47 hóa đơn GTGT của một số doanh nghiệp, ghi khống hàng hóa, dịch vụ và bán lại cho Công ty TNHH XD TM Phạm Hữu Danh, Công ty TNHH MTV Quốc Khang… Ngoài ra, Sơn còn thành lập và điều hành DNTN Thiên Thuận Đạt, mua 55 hóa đơn GTGT của 3 doanh nghiệp có địa chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh để làm đầu vào và bán 122 hóa đơn GTGT đầu ra cho một số công ty trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp… thu lợi bất chính trên 1,1 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với Chu Quốc Vui có hành vi sử dụng 70 hóa đơn GTGT bất hợp pháp của các doanh nghiệp, công ty (do Phạm Thế Hải và Nguyễn Hoàng Sơn thành lập), nhằm mục đích hạch toán hàng hóa đầu vào được khấu trừ thuế GTGT, làm giảm số tiền thuế phải nộp, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên 3,5 tỷ đồng.
Khởi tố các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép
Các đối tượng bị khởi tố gồm: Voòng A Sủi (sinh năm 1997) và Voòng A Hây (sinh năm 1999) - là em ruột của Sủi; Nình Văn Xuân (sinh năm 2002), Phùn Quay Phóng (sinh năm 1998), Phùn Văn Dũng (sinh năm 2001), cùng trú xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và Lỷ A Tằng (sinh năm 1995), trú tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã móc nối với 1 người Trung Quốc tên A Lùng qua Wechat thống nhất đưa những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Đông Hưng (Trung Quốc) đến thành phố Móng Cái, Quảng Ninh (Việt Nam) bằng bè xốp vượt sông biên giới mốc 1355 và dùng xe máy đưa về trung tâm thành phố và nội địa của Việt Nam.
Mỗi vụ trót lọt, A Lùng trả tiền công cho nhóm của Sủi là 4.000 nhân dân tệ/1 người nhập cảnh. Ngày 10/6, nhóm của Sủi đón 4 người Trung Quốc, khi đang di chuyển thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Trước đó, nhóm đã đưa 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.