Buổi chiều cuối năm, “xóm ung thư”- một ngõ nhỏ đối diện Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) vẫn là những bước chân vội vàng, tiếng nói chuyện xôn xao của các bệnh nhân từ bệnh viện đi về sau mỗi ca vào điều trị. Hôm nay cả ngõ bỗng rộn rã hơn ngày thường vì có một số điểm phát quà hỗ trợ người bệnh. Con ngõ nhỏ vốn là dãy trọ tạm của những mảnh đời phải chịu căn bệnh ác nghiệt, ngày cận Tết dường như họ lại thêm chút tủi thân, nhớ nhà.
Ngồi thất thểu ở vỉa hè trước dãy trọ, thi thoảng lại đứng lên đi lại cho đỡ bồn chồn vì ngóng tin chồng đang mổ ung thư trực tràng trong viện, bà Nguyễn Thị Hòa, ở Yên Sơn, Tuyên Quang nghẹn ngào: “Ông nhà tôi ung thư nằm viện đã mấy tháng nay, sau 25 mũi xạ, bây giờ mới bước vào ca phẫu thuật. Tôi bây giờ không còn tâm trạng nghĩ đến Tết, chỉ mong ông ấy mổ xong có thể ổn định được”.
Trong căn phòng trọ chỉ 4-5 mét vuông, vừa đủ kê chiếc giường đã gắn bó với ông bà mấy tháng nay vì quá trình dài nằm điều trị của chồng, bà Hòa cũng không có chỗ đi ra đi vào nên cứ ra ngõ ngồi trò chuyện với các bệnh nhân khác cho đỡ sốt ruột. Đợt này xuống điều trị, còn có hai con trai của bà xuống hỗ trợ nên cả nhà nghỉ tạm ở đây để thay nhau vào viện trông bệnh nhân. Dường như Tết với gia đình bà vẫn còn ở rất xa.
Ngồi nhìn đăm chiêu vào bóng chiều đổ xuống con ngõ thân thuộc, bà Nguyễn Thị Nở, ở Thái Bình xót xa ngồi tâm sự về người con gái bị ung thư não. Nhìn con vẫn vui vẻ trò chuyện nhưng bà chốc chốc lại quay đi thầm gạt nước mắt.
Chị Lại Thị Thương, con gái bà Nở bị ung thư não, đã mổ ở Bệnh viện Bạch Mai và mới chuyển sang Bệnh viện K để xạ trị. Tuy phát hiện ung thư khi tuổi đời còn trẻ, lại vẫn còn gánh nặng hai con nhỏ nhưng chị vẫn cố gắng lạc quan như một bài thuốc tinh thần để chiến đấu với bệnh tật.
Chia sẻ tâm tư những ngày cuối năm, chị chẳng mong gì hơn là sẽ đáp ứng điều trị thật tốt, bệnh tiến triển tốt để trở về nhà.
“Xa nhà, xa con, phải để con ở nhà cho chồng chăm sóc, tôi lo lắng lắm nhưng không thể làm gì khác được. Bây giờ tôi phải cố gắng, cố gắng điều trị chỉ mong sớm được về nhà, mẹ tôi cũng đỡ vất vả”, chị Thương tâm sự.
Ở xóm ung thư này, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng về đây họ đã như người thân của nhau khi đều chung cảnh chiến đấu dài ngày với bệnh tật. Những cuộc trò chuyện rôm rả khiến họ tạm quên đi đau đớn, bệnh tật, cùng động viên nhau trong những ngày thiếu không khí đầm ấm sum họp gia đình.
Chiều cuối năm, bệnh nhân, người nhà ngồi xếp hàng dài trong ngõ, mỗi ánh mắt lại ánh lên những ước mơ, hy vọng; nhưng không như những rộn rã ngoài kia, với họ chỉ cần sống một cuộc đời khỏe mạnh, thế là đủ.