Giữa thu, trời Nha Trang nắng vàng như mật ngọt. Dường như tiết trời cũng muốn hòa cùng với tâm trạng náo nức của hơn 240 đại biểu trong cả nước về tham dự Hội nghị biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo, diễn ra tại thành phố biển vào ngày 22/9. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tham dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN. |
Buổi sáng, Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hòa cạnh Quảng trường 2/4, thành phố Nha Trang tưng bừng với cờ hoa tung bay và tiếng trống ếch rộn ràng.
Đây là cuộc hội tụ của những con ưu tú trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ biên cương phía Bắc xa xôi đến vùng Tây Nguyên núi non trùng điệp, từ dải đất miền Nam thành đồng thẳng cánh cò bay đến vùng duyên hải miền Trung rì rầm sóng biển vỗ. Và không thể thiếu những cán bộ, chiến sĩ luôn cầm chắc tay súng bảo vệ vùng trời biển, hải đảo xa xôi Trường Sa.
Ông Bùi Hồng Lĩnh- Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước hiện có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Trong đó có hơn một triệu liệt sĩ, gần 800 nghìn thương binh và hưởng chính sách như thương binh, hơn 1.250 Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động trong kháng chiến, trên 100 nghìn người có công giúp đỡ cách mạng...
“Không ỷ lại những chính sách ưu đãi và sự trợ giúp của Nhà nước, sự đùm bọc của nhân dân, hàng triệu người có công luôn phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, để nay tiếp tục có nhiều cống hiến trong lao động sản xuất, làm giàu cho bản thân mình và đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội. Trong đó có rất nhiều người có công tiêu biểu, đã vượt lên thương tật, bệnh tật, vượt qua muôn vàn khó khăn để tiếp tục góp phần giữ vững biên cương và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Trong ngày hội lớn này, những con người bằng xương, bằng thịt như thế đã hiện hữu. Đó là ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1966, là thương binh hạng 2/4, trú tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang. Ông Dũng cho biết, tháng 2/1987, ông lên đường nhập ngũ và có hơn 6 năm phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Sau khi phục viên về lại địa phương, ông mạnh dạn theo đà phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà, bước vào lĩnh vực kinh doanh ăn uống với quy mô nhỏ.
Ông bộc bạch: “Dường như đất và lòng người hiền hòa của xứ “trầm hương” đã mở rộng vòng tay để đón nhận đứa con hoàn thành nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc trở về, nên doanh nghiệp của tôi ngày càng ăn nên, làm ra”. Nhờ vậy, những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông thu nhập 1,5 tỷ đồng. Không chỉ lo cho riêng mình, ông tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc và giúp đỡ người có công, hỗ trợ cho nhiều đồng đội mỗi năm ông còn ủng hộ các quỹ từ thiện hàng trăm triệu đồng.
Đó còn là trường hợp của ông Hoàng Thế Cương, thương binh hạng 4/4, hiện sống tại thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Vượt qua thương tật và giữ vững phẩm chất “Anh bộ đội cụ Hồ”, ông được địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm trưởng Công an thị trấn. Qua quá trình lao động và tích luỹ, hiện vợ chồng ông đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, nuôi dạy hai con ăn học trưởng thành...
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ: “Trải qua các cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ 1945 đến nay, hơn 1 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên mọi miền đất nước và các chiến trường quốc tế. Nếu các liệt sĩ về với chúng ta hôm nay và xếp thành hàng dọc trên biên giới trên bộ và bờ biển của Tổ quốc Việt Nam thì sẽ hình thành một bức tường liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc thân yêu này, mà cứ 7 mét là có một liệt sĩ”. Bất ngờ trước sự so sánh ấy, tất cả các đại biểu dự Hội nghị đều bồi hồi, xúc động.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân mong muốn "bằng các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ của phong trào Đền ơn đáp nghĩa và sự nỗ lực vươn lên của gia đình người có công, đến năm 2015 sẽ thực hiện được mục tiêu tất cả gia đình người có công không nghèo, tất cả gia đình người có công không còn nhà tạm bợ”.
Tiên Minh