Cũng trong ngày làm việc này, đã diễn ra cuộc gặp giữa Lãnh đạo ASEAN + 3 và Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á; Lễ khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN) với dự án đầu tiên "Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì các Hội nghị và các sự kiện trên.
Những cam kết mạnh mẽ từ các đối tác
Tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác: Hoa Kỳ (lần thứ 8), New Zealand (kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác), Australia (lần thứ 2); Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 (với Lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15 (bao gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác của ASEAN, gồm có Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ), Lãnh đạo các nước đã cam kết hợp tác chống đại dịch COVID-19, hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người trên thế giới và gây tác động nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trưởng đoàn Hoa Kỳ, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O’Brien khẳng định cam kết hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với dịch bệnh thông qua khoản hỗ trợ cả về tài chính lẫn các trang thiết bị với tổng trị giá 87 triệu USD.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern công bố đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, dành 12 triệu USD hỗ trợ cho nỗ lực ứng phó dịch bệnh trong khu vực. Thủ tướng Jacinda Arden khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19, nghiên cứu và phát triển vaccine, bảo đảm cung ứng đồng đều vaccine, đồng thời hỗ trợ ASEAN thúc đẩy phục hồi bền vững, duy trì kết nối chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh, Australia cam kết hỗ trợ 21 triệu đô la Australia cho Trung tâm khu vực ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi; đóng góp 1 triệu đô la Australia cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19.
Đánh giá cao sự ủng hộ, hợp tác của các nước đối tác đối với các sáng kiến, nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng như kế hoạch phục hồi sau đại dịch của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trên tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, các Đối tác, ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức nổi lên, trong đó có kiểm soát thành công và từng bước đẩy lùi COVID-19, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, duy trì môi trường ổn định, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Cũng tại các Hội nghị trên, bên cạnh những cam kết hỗ trợ, hợp tác chống lại đại dịch, Lãnh đạo các nước đối tác còn đưa ra các tuyên bố, cam kết thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội; đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong điều phối, giải quyết các vấn đề của khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác cũng thống nhất quan điểm, khẳng định các quốc gia cần chung tay đóng góp để duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, coi đây là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.
Khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, chiều 14/11, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Hiển Long đã cùng chứng kiến và có bài phát biểu tại Lễ khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN) với dự án đầu tiên "Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc" (SuperPort).
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là sự kiện hợp tác có ý nghĩa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore, là minh chứng cho tinh thần gắn kết ASEAN và tư duy chủ động thích ứng, sáng tạo của các doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc" chính là công trình chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và sự kiện ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến được ký kết ngày 15/11.
Dự án đầu tư Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm logistics ICD có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Bắc được đầu tư bởi Tập đoàn T&T và hai đối tác Singapore là YCH Group Pte Ltd và YCH Holdings. Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có chức năng trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh trên hành lang kinh tế Hà Nội-Lào Cai, các luồng hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và là nơi lưu trữ hàng hóa, phân phối phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng cho các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang. Bên cạnh đó, với chức năng cảng cạn ICD, Trung tâm còn đảm nhiệm chức năng điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực; đảm nhiệm chức năng thông quan, làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu…
Dự án có tổng vốn đầu tư 3.878,7 tỷ đồng, tương đương 166, triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 2.077,79 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 1.800,91 tỷ đồng. Các nhà đầu tư sẽ góp vốn chủ sở hữu 767,91 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư, trong đó Tập đoàn T&T góp 307,16 tỷ đồng, tương đương 13,2 triệu USD, chiếm 40% vốn góp; YCH Group Pte Ltd góp 345,56 tỷ đồng, tương đương 14,85 triệu USD, chiếm 45% vốn góp; YCH Holdings (Pte) Ltd góp 115,19 tỷ đồng, tương đương 4,95 triệu USD, chiếm 15% vốn góp. Phần còn lại sẽ được huy động từ vốn vay thương mại. Tiến độ đầu tư thực hiện Dự án là 50 tháng kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.
Chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp Đông Á
Chiều 14/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, cuộc gặp giữa Lãnh đạo ASEAN + 3 và Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Cuộc gặp có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cuộc gặp giữa các Lãnh đạo ASEAN+3 và Hội đồng kinh doanh Đông Á (EABC) là dịp Chính phủ các nước ASEAN+3 thể hiện sự quan tâm, coi trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp khu vực Đông Á, cũng như lắng nghe quan điểm và phản hồi của doanh nghiệp sau một năm đặc biệt khó khăn ứng phó với dịch COVID-19.
Thủ tướng chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp khu vực đã và đang gặp phải trong năm vừa qua và cho rằng trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải ứng phó với làn sóng mới của dịch bệnh, khu vực Đông Á có thể tự hào là một trong những nơi đầu tiên kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh, đáng kể nhất là nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu giữa các nước ASEAN+3, giảm thiểu sức ép với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đảm bảo cho sinh kế của người dân.
Thủ tướng cho biết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 vừa diễn ra, Lãnh đạo các nước cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN+3. Việc ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần này hành động cụ thể thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế khu vực.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe các đóng góp, đề xuất thiết thực từ các doanh nghiệp và Hội đồng kinh doanh Đông Á để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11/2020. Đây là chuỗi hoạt động cuối cùng của Năm Chủ tịch ASEAN và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Hội nghị là dịp quan trọng để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đưa ra những quyết sách, chỉ đạo quan trọng về hợp tác ASEAN và quan hệ với các đối tác, đối sách của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và quốc tế tác động đến khu vực trong thời gian tới, cũng như nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay, trong đó có dịch COVID-19. Đây cũng là đợt hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo Chương trình, Chủ Nhật ngày 15/11, trong ngày cuối cùng của Hội nghị, sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 11; Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4 và dự kiến Lễ ký Hiệp định RCEP.
Đầu giờ chiều, sẽ diễn ra Lễ Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị Cấp cao liên quan; chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei. Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ chủ trì Họp báo quốc tế.