Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để chăm sóc tốt hơn thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về công tác triển khai để những chính sách này sớm đến với đối tượng được thụ hưởng.
Khám bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang. Vũ Văn Long - TTXVN |
Nghị định 31/2013 hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công có hiệu lực từ 1/6, Cục Người có công và các địa phương đã triển khai thực hiện chính sách này ra sao, thưa ông?
Ngày 9/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ - CP, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2013. Theo quy định mới, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã được mở rộng thêm, như vậy số lượng đối tượng mới được xác nhận sẽ tăng, tuy nhiên đối tượng thuộc nhiều cơ quan chức năng quản lý như quân đội, công an, giao thông vận tải... và còn đang trong quá trình triển khai xác lập hồ sơ, nên chưa thể có số lượng cụ thể. Ước tính lượng người mới được hưởng chế độ theo qui định của Nghị định 31/2013/NĐ - CP như sau: Có khoảng 85.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng. Khoảng 1,1 triệu người vào diện hưởng chế độ bảo hiểm y tế như người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống; người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên... Khoảng 10.000 thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, đã từ trần, vào diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai: “Hỗ trợ các gia đình chính sách bằng nhiều hình thức” Bằng nhiều hình thức hỗ trợ như xây dựng nhà ở, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, vốn... hiện tất cả gia đình chính sách trong tỉnh đã thoát nghèo. Sở cũng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp khảo sát nhu cầu xây dựng nhà ở. Năm 2013, tỉnh Đồng Nai sẽ sửa chữa và làm mới 400 căn nhà cho các đối tượng chính sách, với số tiền gần 15 tỷ đồng. Ông Lê Sáu, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Quảng Nam: “Hoàn thành cải thiện nhà ở cho người có công” Với số lượng đối tượng chính sách, người có công với cách mạng chiếm hơn 20% dân số toàn tỉnh, Quảng Nam thực hiện khá tốt các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định hiện hành góp phần ổn định cuộc sống. Từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được hơn 412 tỷ đồng để xây tặng nhà tình nghĩa và hỗ trợ trên 27.450 trường hợp khó khăn đặc biệt về nhà ở. Hiện tỉnh Quảng Nam còn khoảng 14.000 người có công cần được hỗ trợ xây dựng mới về nhà ở và có nhà hư hỏng cần sửa chữa. Tỉnh phấn đấu, từ nay đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành đề án xây dựng chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, các đối tượng khó khăn sẽ được ưu tiên xây dựng, sửa chữa trước. |
Để giúp người được hưởng chính sách một cách nhanh chóng, Bộ LĐ - TB&XH đã triển khai công tác tập huấn chính sách người có công đối với 63 sở LĐ - TB&XH các tỉnh, thành. Đặc biệt, cấp xã cần tăng cường vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phổ biến, để mọi người dân nắm bắt kịp thời, chính xác.
Trong phiên họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến việc ban hành hướng dẫn cụ thể đối với người có công hưởng chính sách nhưng bị thất lạc giấy tờ chứng minh. Vậy khi nào Cục Người có công sẽ hoàn thiện được hướng dẫn này?
Hiện nay, Bộ LĐ - TB&XH đang tích cực triển khai xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn giải quyết đối với hồ sơ người có công không còn giấy tờ gốc, làm cơ sở xem xét giải quyết các trường hợp còn tồn đọng. Việc giải quyết hồ sơ người có công không còn giấy tờ gốc là vấn đề cần phải hết sức cân nhắc, thận trọng, đòi hỏi khi xây dựng văn bản phải phù hợp với thực tiễn, hạn chế những tiêu cực trong quá trình thực hiện, tránh lạm dụng chính sách để hưởng sai chính sách người có công. Theo dự kiến, khoảng cuối năm 2013 thông tư hướng dẫn giải quyết đối với hồ sơ người có công không còn giấy tờ gốc sẽ được ban hành và triển khai thực hiện.
Một chính sách đang được nhiều người quan tâm là chương trình hỗ trợ xây nhà, sửa nhà cho 71.000 người có công. Vậy chương trình đang triển khai ra sao và khi nào hoàn thành, thưa ông?
Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 22/2013/QĐ - TTg về hỗ trợ người có công về nhà ở và giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ LĐ - TB&XH và một số bộ, ngành có liên quan để thực hiện.
Những điểm mới trong triển khai thực hiện Nghị định số 31/2013 Về đối tượng để công nhận liệt sỹ, bổ sung thêm 3 trường hợp: Khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ do cơ quan có thẩm quyền giao; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; mất tin, mất tích trong các trường hợp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế, đấu tranh chống tội phạm... Về đối tượng để công nhận thương binh, bổ sung 2 trường hợp: Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, theo Pháp lệnh cũ được hưởng trợ cấp một lần, nay chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã mở rộng chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người có công gồm: Con của liệt sỹ không thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 16 - 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945. Bà mẹ Việt nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có người phục vụ.
|
Ngày 1/7/2013, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22 nói trên. Trong Thông tư quy định rõ đối tượng được hỗ trợ về nhà ở, cũng như trình tự, phương thức thực hiện xây dựng và sửa chữa về nhà ở cho đối tượng, để làm sao trong năm 2013, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho 71.000 người có công với cách mạng.
Đối với Sở LĐ - TB&XH là cơ quan quản lý đối tượng chính sách, do vậy, phải khảo sát và tổng hợp các đối tượng chính sách theo quy định tại Thông tư số 09/2013/TT - BXD cung cấp cho Sở Xây dựng, để trình UBND các tỉnh, thành quyết định.
Trong thời gian tới, Cục Người có công sẽ làm gì để sớm triển khai thực hiện chính sách người có công tại cơ sở theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng vẫn kiểm soát, không để làm sai trong lĩnh vực này?
Trong đợt tập huấn triển khai thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công mới đối với 63 tỉnh, thành, Bộ LĐ - TB&XH đã yêu cầu các cơ quan chính sách địa phương thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách ưu đãi người có công; cơ quan chính sách ở địa phương cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Ngày 15/7/2013, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 2573/LĐTBXH-NCC đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan thuộc địa phương, đặc biệt là Sở LĐ -TB&XH và Sở Y tế phối hợp triển khai và giải quyết chế độ đối với người có công. Việc thực hiện cần đảm bảo tiến độ thời gian, đúng qui định của chính sách, pháp luật, không phát sinh các thủ tục rườm rà gây khó khăn cho đối tượng và hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Bộ đề nghị địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực công tác, chuyên môn.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường (thực hiện)