Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) cho rằng có được thắng lợi vang dội đó, ta đã nắm được tình hình của địch và dự báo sớm ý đồ của chúng, nên có công tác chuẩn bị đầy đủ cả thế và lực cho chiến dịch. Đặc biệt, đã nghiên cứu và xác định cách đánh đúng, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt của chiến dịch, Quân chủng PK-KQ đã góp phần cùng quân dân miền Bắc, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ.
Vào thời điểm đó, Mỹ tuyên bố: “Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống ra đa của Bắc Việt. Có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không (PK) của đối phương, giờ đây không quân của Mỹ có thể ném bom vào bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Việt Nam, như đi vào chỗ trống. Chúng cho rằng, B-52 là bất khả xâm phạm, B-52 có thể rơi do thời tiết, hoặc do trục trặc kỹ thuật, chứ quyết không bị bắn rơi vì hỏa lực của bộ đội PK Bắc Việt”.
Trước chiến dịch phòng không, cuối tháng 12/1972 các binh chủng ra đa, không quân, tên lửa, pháo PK của Quân chủng đã tập huấn rút kinh nghiệm bàn cách đánh bại máy bay chiến lược B-52; vận dụng những kinh nghiệm của các đơn vị đã chiến đấu với máy bay B-52, chọn và bám sát giải nhiễu B-52.
Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ “Tập trung mọi khả năng nhắm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”. Chúng ta đã nắm được quy luật của B-52 xuất kích còn có rất nhiều máy bay chiến thuật đi cùng để gây nhiễu, phóng tên lửa vào các đài ra đa, sẵn sàng không chiến với máy bay MiG-21 của ta, để bảo vệ đội hình B-52. Điểm yếu cơ bản của B-52 là có tiết diện phản xạ lớn, nó phải bay bằng để ném bom, đi theo đường bay đã xác định, ít cơ động; trên đường bay B-52 bay vào gần đến vị trí cắt bom, thì các loại máy bay chiến thuật phải giãn ra xa đội hình B-52; lúc này chỉ còn nhiễu của B-52, ta chọn 1 chiếc trong tốp 3 máy bay B-52 sẽ dễ dàng đánh hơn.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết: Nắm được qui luật chọn đường bay cơ bản đó của địch, ta đã xác định được các đường bay chủ yếu, thứ yếu của chúng để xây dựng phương án đánh và bố trí lực lượng chiến dịch cho phù hợp. Từ đó, có kế hoạch bố trí và sử dụng lực lượng hợp lý, đánh có tập trung, đánh mục tiêu chủ yếu trên hướng, nơi có đường bay chủ yếu của địch. Đây chính là nghệ thuật bố trí và sử dụng lực lượng chiến dịch của ta.
Thực tế kết quả chiến dịch phòng không năm 1972 đã cho thấy, không quân đã xác định tương đối chính xác hướng, đường bay chủ yếu của địch vào đánh phá mục tiêu ta bảo vệ là Hà Nội và Hải Phòng.
Đặc biệt, trong 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, bộ đội tên lửa đã vận dụng kinh nghiệm bao năm chống chiến tranh phá hoại để xác định đường bay của chúng, nên cho dù lực lượng của chúng ta ít, nhưng đã bố trí hợp lý, linh hoạt, có tập trung vào hướng mục tiêu chủ yếu. Nghĩa là, cũng trên đường bay đó, có khi ta chỉ bố trí một tiểu đoàn đánh trên từng đoạn, có khi nhiều tiểu đoàn đánh rải trên đường bay. Như thế, ta vừa tổ chức đánh địch phân tán, vừa đánh địch tập trung, đây cũng là chiến thuật bố trí và sử dụng lực lượng độc đáo của bộ đội tên lửa trong chiến dịch góp phần rất lớn trong việc đánh bại cuộc tập kích đường không (TKĐK) của địch tháng 12/1972.
Kết quả, sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo; quân và dân ta, nòng cốt là bộ đội PK-KQ, đã đánh bại hoàn toàn cuộc TKĐK chiến lược quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết: "50 đã trôi qua, thắng lợi của CDPK cuối tháng 12/1972 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, vẫn còn nguyên giá trị để ta vận dụng, linh hoạt, sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc".
Xác định đúng đối tượng tác chiến đối với lực lượng PK luôn là điều vô cùng quan trọng trong cuộc đối đầu không cân sức, chọn đúng đường bay chủ yếu mà địch vào đánh phá mục tiêu bảo vệ là tạo điều kiện để bố trí lực lượng (ít hóa nhiều) để đánh được địch dọc trên cả đường bay (có thể từng đơn vị đánh, có thể tập trung nhiều đơn vị cùng đánh) vào 1 điểm sẽ tiêu diệt lớn, và còn sẵn sàng chi viện được cho nhau trong tác chiến.
Đây chính là những nét đặc sắc của của nghệ thuật tác chiến PK, là yếu tố quyết định của cách đánh chiến dịch, để tổ chức đánh địch hiệu quả từng trận đánh, trong các trận then chốt quyết định, tiến tới giành thắng lợi chiến dịch.