Theo Nghị quyết, Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.
Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; rà soát quy mô, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, gắn với nhu cầu thị trường; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đầu tư vào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chú trọng phát triển thị trường trong nước, duy trì và phát triển thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng; tích cực triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, trái cây và một số nông sản chủ lực khác...
Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 (giai đoạn 2008-2018) và định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững; kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ chống dịch bệnh,xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ chính sách; làm tốt công tác tái đàn sau dịch bệnh...
Các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững; ban hành Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh khai thác xa bờ, cơ cấu lại hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; hiện đại hóa đội tàu cá, tàu hậu cần nghề cá xa bờ và công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm; tập trung quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản, chú trọng phát triển nghề nuôi biển; tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng ngành thủy sản, đặc biệt là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và hạ tầng phục vụ nuôi biển. Sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong hỗ trợ đóng tàu; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ chính sách. Tăng cường ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp.
Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt
Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội đề nghị các đơn vị triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng, ban hành Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2020-2030; tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ xử lý kịp thời các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; tiếp tục đàm phán, ký kết, tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Chính phủ, Bộ Công Thương có trách nhiệm khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh; rà soát, tổng kết, đánh giá, hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sớm ban hành quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho gian lận thương mại; quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh trên mạng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp...
Năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Điện lực, bảo đảm phát triển cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, giữa nguồn và lưới điện; khẩn trương rà soát, xử lý những bất cập trong quy hoạch, đầu tư, vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời; đề xuất cơ chế, giải pháp để sớm đưa vào vận hành các dự án điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 bị chậm tiến độ, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt...
Ngành Công Thương cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển cơ khí chế tạo; phát triển và nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện, máy nông nghiệp, sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp.
Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy
Đối với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục thực hiện theo lộ trình việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm trong hệ thống cơ quan nhà nước, làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách tiền lương.
Chính phủ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, xếp loại chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với các nội dung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm; nghiên cứu chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Trong năm 2020, cần sơ kết, đánh giá Đề án thí điểm thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ; xử lý nghiêm các sai phạm, xem xét thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, vi phạm các quy định trong thực thi công vụ, không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
Trong năm 2019, cần cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; có phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức diện dôi dư.
Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn đối với việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, sửa đổi các định mức về số học sinh, số giáo viên trên 1 lớp học, số nhân viên y tế trên 1 giường bệnh phù hợp theo điều kiện của từng vùng, miền và cân đối giữa nông thôn với đô thị, giữa miền núi với đồng bằng, bảo đảm mục tiêu người học phải có giáo viên, người bệnh phải có nhân viên y tế. Năm 2019, xử lý dứt điểm những bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế; chỉ đạo sát sao đối với việc thực hiện tinh giản số lượng người làm việc trong ngành giáo dục, y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, song vẫn phải bảo đảm đủ khả năng cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội.
Xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu các cơ quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016; tiếp tục khẩn trương triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; khẩn trương ban hành quy định của pháp luật để quản lý hoạt động của tạp chí điện tử; rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan báo chí...
Các cơ quan cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, tổng biên tập trong việc quản lý văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên và nội dung thông tin; chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp người làm báo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát chặt chẽ các điều kiện về cấp phép trong lĩnh vực báo chí, việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật về báo chí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, tổng biên tập trong việc để xảy ra vi phạm...
Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; xử lý nghiêm tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về an ninh mạng; chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả; chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, báo chí; có giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng; tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng “sim rác”, “tin nhắn rác”, “cuộc gọi rác”.
Các cơ quan cần khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng truyền thông xã hội trong nước; có chính sách phát triển các doanh nghiệp số Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài...
Xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và Chiến lược quốc gia về dữ liệu đáp ứng yêu cầu xã hội; tiếp tục phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đầu năm 2020, ban hành quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung; tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn triển khai mô hình thành phố thông minh; năm 2020 hình thành bộ mã bưu chính đến địa chỉ, hỗ trợ cho thương mại điện tử và kinh tế số.