Nghĩa cử cao đẹp trong đền ơn đáp nghĩa

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dẫu bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa với tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đền ơn đáp nghĩa” là sự kế thừa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là tài sản tinh thần to lớn mang đậm giá trị nhân văn.


Thấm nhuần tư tưởng của Người về công tác đền ơn, đáp nghĩa, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn ra sức đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trở thành nghĩa cử cao đẹp, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng.

 

Chăm sóc người có công luôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Ảnh: Đỗ Bình - TTXVN


Hằng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công; thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công…


Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sỹ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 công trình ghi công liệt sỹ, trong đó nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử văn hóa, có sức thuyết phục lớn về mỹ thuật, đạo đức, giáo dục như: Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Đường 9, Đền Liệt sỹ Bến Dược, Đài tưởng niệm liệt sỹ Thái Nguyên... Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin, quản lý dữ liệu thông tin hồ sơ liệt sỹ, hỗ trợ nhà ở cho người có công trở thành những vấn đề quan trọng có tính cấp thiết và đã được triển khai xây dựng thành các dự án, đề án mang tầm quốc gia, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của toàn xã hội.


Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Cả nước hiện có 59.000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gần 4.000 mẹ hiện còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Việc xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công đã trở thành phong trào và được các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào kế hoạch phấn đấu của địa phương, cơ sở. Hiện cả nước đã có 96% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác này.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, cá nhân đã tích cực vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “Xã phường làm công tác chăm sóc người có công" và nhiều phong trào thiết thực khác, đã mang lại hiệu quả to lớn.


Nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội, kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách cho người có công và tiếp tục hoàn thiện chính sách người có công theo các đối tượng khác nhau, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015.


Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015 với 7 đối tượng là: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong kháng chiến và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được ban hành. Đây là chủ trương hết sức có ý nghĩa cả về mặt xã hội và quản lý nhà nước.

Đây cũng là cuộc tổng rà soát quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đến tất cả 11.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


PV

Xây dựng nền tảng đạo đức xã hội
Xây dựng nền tảng đạo đức xã hội

45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Bác luôn là nguồn sức mạnh dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN