Năm 2013 là năm thứ ba Việt Nam triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của ngoại giao đa phương. Một trong những minh chứng thể hiện sự tích cực chủ động đó là việc Việt Nam vừa trúng cử với số phiếu rất cao vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có buổi phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.- Phóng viên: Ngoại giao đa phương là một trong những điểm sáng của chính sách đối ngoại Việt Nam trong thời gian qua, với tư cách là Trưởng Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam tại một địa bàn quan trọng hàng đầu của ngoại giao đa phương, Đại sứ có thể giới thiệu sơ lược môi trường đối ngoại năm 2013?
-
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Cùng với quan hệ song phương, ngoại giao đa phương đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam từng bước vững chắc và ngày càng chủ động tham gia vào các hoạt động của LHQ và nhiều diễn đàn ngoại giao đa phương. Những thành tựu nổi bật của ngoại giao đa phương tạo ra những cơ hội hữu hiệu giúp xử lý các vấn đề từ truyền thống đến phi truyền thống, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia và củng cố vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong dịp dự kì họp lần thứ Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Năm 2013 có thể coi là một năm hết sức sôi động trên góc độ thách thức lẫn cơ hội. Để có thể ứng phó với thách thức và biến nó thành cơ hội là không dễ dàng. Năm 2013 cũng là năm đặc biệt tại Geneva, địa bàn bao trùm nhiều lĩnh vực từ các vấn đề liên quan đến LHQ, nhân quyền, WTO cho đến Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM)...
Năm 2013 là năm đầu tiên Việt Nam tiến hành rà soát chính sách thương mại tại WTO sau 6 năm gia nhập. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc hỏi đáp trong WTO, mà chính là hàn thử biểu rất quan trọng đối với niềm tin của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam trong chặng đường sắp tới. Kết quả tốt đẹp của cuộc rà soát thương mại lần này đã thể hiện rõ sự đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu và sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường cũng như trong việc đóng góp tích cực hơn nữa cho hệ thống thương mại toàn cầu. Bên cạnh lĩnh vực thương mại quốc tế, nhân quyền là mảng hoạt động rất quan trọng tại địa bàn Geneva. Tuy bỏ phiếu tại New York (Mỹ), nhưng mọi hoạt động của Hội đồng cho đến Văn phòng Cao ủy nhân quyền, và các thủ tục, báo cáo viên đặc biệt đều diễn ra tại Geneva. Đây vừa là cơ hội và thách thức cho các cán bộ đối ngoại Việt Nam tại đây.
- Phóng viên: Đại sứ có thể chia sẻ những nỗ lực đóng góp của các cán bộ đối ngoại trong việc thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ của Phái đoàn?
- Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Đại hội Đảng lần thứ XI đã đưa ra đường hướng mới liên quan trực tiếp đến công tác ngoại giao đa phương, trong đó xác định đưa đất nước ta từ hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm trước đây chuyển sang "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế". Chủ trương quan trọng đó đòi hỏi các cán bộ ngoại giao đa phương tại địa bàn Geneva phải nỗ lực vượt bậc để triển khai cụ thể, bài bản, năng động, sáng tạo, sống động hơn nữa trí tuệ, bản lĩnh và tư tưởng ngoại giao Việt Nam trong thời đại mới.
Geneva là một trong những địa bàn tiền đồn hàng đầu của nước ta trong việc triển khai đường lối đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập toàn diện. Quá trình triển khai bao giờ cũng là con đường hai chiều năng động, đó là thực tiễn hóa chủ trương và lấy thực tiễn sinh động để đóng góp củng cố hoàn thiện hơn nữa việc triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần phải đóng góp cho hệ thống đa phương. Chúng ta đã và đang làm điều đó thông qua con đường song phương, khu vực và liên khu vực như ASEAN, APEC, ASEM và các tổ chức toàn cầu đóng tại địa bàn Geneva cũng như tại New York... Chúng ta đã có hướng đi, tầm nhìn đúng song cũng phải đúc rút kinh nghiệm, đóng góp tham mưu, cố vấn chủ trương chính sách thiết thực hơn nữa.
Một bằng chứng nữa cho thấy sự tích cực chủ động của Việt Nam muốn tham gia đóng góp hơn vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, chính là số phiếu cao ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Số phiếu rất cao thể hiện vị trí, uy tín của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện sự trông đợi của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm.
TTXVN/Tin tức