Đến nay, tư tưởng của Người về công tác đối ngoại vẫn luôn là những bài học vô giá cho ngành Ngoại giao Việt Nam.
Nắm vững nguyên tắc, xử lý linh hoạt
Theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Bác Hồ đã để lại một di sản vô cùng lớn cho ngoại giao Việt Nam. Trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Bác đã tiếp xúc, vận động, làm việc với rất nhiều chính khách, nhà khoa học, học giả... Vì thế, có thể nói, người Việt Nam đầu tiên tạo nên nền văn hóa ngoại giao cách mạng chính là Bác Hồ.
Năm 1919, tại Hội nghị Versailles, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Versailles”. Bản yêu sách này bao gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Đây là một cuộc đấu tranh ngoại giao để lại nhiều bài học quý cho thế hệ sau.
Tư tưởng, đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh chính là nắm vững nguyên tắc và rất linh hoạt trong cách xử lý các vấn đề. Nguyên tắc lớn nhất trong thời kỳ đấu tranh của chúng ta là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bác Hồ đã mượn lời của tiền nhân để nói "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Bất biến là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ứng vạn biến là có thể thay đổi rất nhiều cách làm. Nhưng muốn có “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thì phải có trí tuệ, phải biết cách làm thế nào để thuyết phục được đối phương; làm thế nào để tập hợp được những lực lượng xung quanh, các nước trên thế giới ủng hộ mình.
Lấy ví dụ về bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác được ngành ngoại giao cách mạng Việt Nam vận dụng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhắc đến thành công của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. “Trên bàn đàm phán, đồng chí Lê Đức Thọ đã đưa ra những lập luận mà đối phương không thể nào bác bỏ được. Đến Henry Kissinger, nhà ngoại giao giỏi nhất của nước Mỹ trong thời kỳ đó, cũng phải cúi đầu. Thậm chí, có những lúc đồng chí Lê Đức Thọ dùng những lời lẽ rất đanh thép, nặng nề để lên án những chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ mà Henry Kissinger vẫn phải lắng nghe mà không thể có những lập luận chống lại được”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể lại.
Cũng theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, trong quá trình đàm phán, Việt Nam sử dụng rất nhiều bài học Bác Hồ dạy, tiến từng bước đến kết quả cuối cùng. Điều quan trọng nhất trong lời dạy của Bác là "dĩ bất biến, ứng vạn biến”, những điều có thể thỏa hiệp được thì thỏa hiệp, nhưng điều cốt lõi thì không bao giờ được phép thỏa hiệp. Đó chính là thống nhất đất nước.
Nêu rõ giá trị bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến,” nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định: “Đến nay, mọi thương lượng, điều đình, đàm phán đều phải giữ nguyên tắc này. Đây là di sản quan trọng, thấu đáo và thấm thía cho mỗi người Việt Nam, đặc biệt mỗi nhà ngoại giao Việt Nam trong quá trình thương lượng và đàm phán”.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định, học Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối đối ngoại là phải học rất kỹ, rất cơ bản, từ những lập luận, tư tưởng độc lập tự chủ, đến trí tuệ, hiểu biết về thế giới. Bác Hồ đã dạy về “5 điều biết” là: “Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến hóa”, trong đó “biết dừng” là khó nhất. “Trong đàm phán, biết dừng lúc nào vô cùng quan trọng, dừng “non” thì không được nhưng mà căng quá thì “đứt” mất. Tư tưởng của Bác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Vì thế, trong Hiệp định Paris, những nhà đàm phán của chúng ta xác định điều quan trọng nhất là Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Phải nói là điểm rơi đó cực kỳ đúng. Nó là quyết định cho thắng lợi của chiến thắng 30/4/1975 lịch sử”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ.
Cho rằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, việc nắm thời cơ đặc biệt quan trọng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, thế giới từng ngưỡng mộ Bác Hồ ở chỗ biết nắm thời cơ để giành độc lập trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thời cơ ấy vô cùng quan trọng bởi chỉ chậm một tuần thôi thì Việt Nam sẽ khó mà giành được thắng lợi này. Đó là thời điểm Pháp bị Nhật đẩy ra khỏi Đông Dương; phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh; Tổ chức liên minh thế giới chưa quyết định cho quốc gia nào cai quản những khu vực thuộc địa. Thời cơ đó là "khoảng trống quyền lực". Trong “khoảng trống” đó, Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
“Những giá trị về ngoại giao của Bác Hồ lớn lắm. Chúng tôi là những người học trò cũng chỉ mon men cố hiểu và thực hiện được những điều mà Bác đã dạy cho. Đây còn là chặng đường dài để chúng ta nghiên cứu để học hỏi, tìm hiểu. Chúng tôi xem đây là một kho báu của dân tộc, phải biết gìn giữ và khai thác”, người học trò của Hồ Chủ tịch khiêm tốn nói.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá, Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao Việt Nam kiệt xuất, vị lãnh tụ duy nhất của một dân tộc trực tiếp chỉ đạo công tác đối ngoại, đưa ra những đường lối, quyết sách trong quá trình đàm phán, thương lượng. Đó chính là điều vô cùng đặc biệt và là tư liệu quý báu để mỗi cán bộ trẻ nghiên cứu và học tập. Muốn trở thành nhà ngoại giao giỏi cần phải học tập Bác Hồ. Mỗi cán bộ ngoại giao phải luôn luôn tu dưỡng, tự giác, kiên trì, biến kiến thức thành hành động.
Giá trị vĩnh hằng của dân tộc
Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, chuyên gia nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “là hệ thống những nguyên lý, quan điểm, quan niệm về các vấn đề thế giới và thời đại, đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam thời hiện đại”.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm cả phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao. Đối với Đảng và dân tộc Việt Nam, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh có giá trị lý luận sâu sắc và giá trị thực tiễn vô cùng to lớn. Ở mặt giá trị thực tiễn, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã được vận dụng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam ở từng giai đoạn cách mạng. Công trình tổng kết 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995) của Bộ Ngoại giao rất đúng khi rút ra kết luận: “Toàn bộ những tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại như việc dự báo, đánh giá tình hình, nắm bắt thời cơ để tổ chức lực lượng giành thắng lợi quyết định; trong đấu tranh luôn phân rõ bạn thù, tranh thủ đồng minh, dù là những đồng minh tạm thời còn ngả nghiêng, để cô lập kẻ thù chủ yếu và nguy hiểm nhất; nắm bắt nguyên tắc nhưng hết sức mềm dẻo về sách lược; triệt để tư tưởng tiến công nhưng biết tạm lùi khi cần thiết, biết giành thắng lợi từng bước để đi tới thắng lợi hoàn toàn… luôn là nền tảng tư tưởng của đấu tranh ngoại giao và vận động quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong suốt 50 năm”. Đến nay, tư tưởng này luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm, bổ sung và hoàn thiện.
“Hồ Chí Minh rất tài giỏi trong việc xây dựng quan hệ cá nhân. Học Bác là rất khó, song tất cả cán bộ ngoại giao nhất là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, các vị lãnh đạo phải luôn đặt cho mình nhiệm vụ học Bác và làm theo Bác mỗi ngày từ việc to đến việc nhỏ”, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân khẳng định.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân, toàn Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, việc học tập, làm theo tư tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh cũng sẽ góp phần thực hiện thành công Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Có thể khẳng định, tư tưởng cũng như thực tiễn ngoại giao Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là giá trị vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn của mọi thắng lợi trên mặt trận đối ngoại của Việt Nam.