Trong nỗ lực chung này có sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, được ghi nhận như một điểm sáng trong hoạt động ngoại giao kinh tế. Chia sẻ của Đại sứ Đinh Toàn Thắng với phóng viên TTXVN tại Pháp về những nỗ lực này.
Ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, xin Đại sứ chia sẻ những hoạt động mà Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã làm được trong thời gian qua?
Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đối ngoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Trong thời gian qua, hàng loạt các hoạt động ngoại giao kinh tế đã được triển khai với những hình thức phong phú, đa dạng, hướng tới các đối tác Pháp và quốc tế tại địa bàn, các địa phương và vùng miền, các tập đoàn và doanh nghiệp Pháp, cũng như những tác nhân có thể đóng góp vào các hoạt động hợp tác kinh tế với Việt Nam. Chúng tôi đã triển khai các hoạt động trên nhiều lĩnh vực: từ xúc tiến thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ đến hợp tác địa phương, cũng như là thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và Pháp.
Tháng 11/2021, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức nước Pháp và đã có những cuộc trao đổi tiếp xúc sâu rộng với lãnh đạo cấp cao của nước này, tham gia các hoạt động tiếp xúc trao đổi với các doanh nghiệp và đối tác Pháp. Đó là một bước phát triển có tính chất thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi kinh tế giữa Việt Nam và Pháp. Từ kết quả của chuyến thăm đó chúng tôi đã phát huy những lợi thế của mình để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao kinh tế tại địa bàn.
Cụ thể là các đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam, phối hợp với đại diện các cơ quan thương vụ, xúc tiến đầu tư, khoa học và công nghệ của chúng ta tại địa bàn, đã tiến hành hàng loạt hoạt động. Chúng tôi đã đến 10 trung tâm kinh tế trọng điểm tại các địa bàn, các vùng miền lớn của Pháp, xúc tiến 5 hoạt động quảng bá cho các mặt hàng hàng đầu của Việt Nam tại Pháp, tổ chức 7 diễn đàn doanh nghiệp tại nhiều nơi trên đất Pháp, cũng như tại các địa bàn lân cận như Andorra, Monaco.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tổ chức được các cuộc gặp gỡ, thăm các cơ sở sản xuất và kinh doanh của hơn 100 doanh nghiệp Pháp, đến tận nơi để trao đổi với họ khả năng cũng như tiềm năng hợp tác của các bên, tìm hiểu nhu cầu của họ và giới thiệu nhu cầu của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội có thể gặp gỡ nhau trong hợp tác kinh tế.
Tới đây, Đại sứ quán sẽ thực hiện những biện pháp gì để thúc đẩy hơn nữa ngoại giao kinh tế với Pháp?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, đặc biệt là tranh thủ những cơ hội và lợi ích do Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đem lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường Pháp và EU nhiều hơn, từ gạo, hạt tiêu đến các mặt hàng nông sản, cũng như hàng dệt may và các mặt hàng chủ lực khác.
Về đầu tư, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc với các tập đoàn hàng đầu của Pháp, đặc biệt là về năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, logistic, dược phẩm, y tế, nông nghiệp sạch chất lượng cao, hàng không vũ trụ. Đây là những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam đang rất cần để có thể có những sự bứt phá mới, đưa nền kinh tế vươn lên những vị trí tốt hơn trong phân công lao động quốc tế, cũng như trong chuỗi giá trị đang chuyển dịch mạnh mẽ hiện nay. Để có vị trí tốt trong kinh tế khu vực, cũng như là kinh tế toàn cầu, chúng tôi cũng sẽ chú ý hơn hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án hợp tác đầu tư.
Chúng tôi cũng sẽ cố gắng có những hoạt động để kết nối giữa các doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam. Hiện đang có những doanh nghiệp Việt Nam hướng tới thị trường Pháp rất mạnh như FPT Vinfast, đồng thời cũng có những doanh nghiệp Pháp hướng mạnh về thị trường Việt Nam, cũng như thị trường Đông Nam Á. Họ sẽ gặp nhau ở những điểm có thể đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Chúng tôi cũng sẽ kết nối các địa phương, các vùng miền của hai bên để có sự hợp tác lan tỏa tới tất cả các vùng miền của Pháp và Việt Nam, tạo thành một mạng lưới hợp tác sâu rộng trong hoạt động kinh tế giữa hai nước.
Bên cạnh các hoạt động song phương, Đại sứ quán cũng triển khai các hoạt động đa phương, xin Đại sứ nói thêm về lĩnh vực hoạt động này?
Bên cạnh các hoạt động song phương thì địa bàn Pháp cũng tổ chức nhiều hoạt động đa phương với các tổ chức có trụ sở tại đây. Chúng tôi cũng coi hợp tác với các tổ chức đa phương là một trọng tâm. Ví dụ như đối với Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chúng tôi rất coi trọng và thúc đẩy hợp tác với tổ chức này để họ có thể giúp chúng ta lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, trong bối cảnh thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, cũng như là vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi các giá trị đang định hình tại khu vực Đông Nam Á.
Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy hợp tác với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) để tổ chức này có thể làm cầu nối giúp chúng ta tăng cường hợp tác với các đối tác châu Phi, phát huy thế mạnh về nông nghiệp, kinh tế số. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với nhiều tổ chức đa phương khác tại địa bàn để có thể có sự kết nối theo hình thức đa dạng hơn, tranh thủ các nguồn lực tại địa bàn Pháp.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!