Đó là thông tin từ ông Trần Việt Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Việc ký cam kết ngừng cấp điện đối với các trường hợp vi phạm Luật Đất đai nói chung, cũng như những khách hàng xây dựng công trình bất hợp pháp, công trình nhà ở, nhà kinh doanh trên đất nông nghiệp sai trái… là biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Khi bị cắt điện thì mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt sẽ bị đình trệ. Các hoạt động cố tình cấp điện của đơn vị, cá nhân được coi là trái quy định, cam kết và sẽ bị xử lý...
Như phóng viên TTXVN mới đưa tin, những năm gần đây, tình hình xâm lấn đất nông nghiệp để làm nhà ở, quán bán hàng, nhà xưởng kinh doanh...trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra khá phức tạp. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc, nếu chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước không quyết tâm giải quyết vấn nạn này hoặc bỏ ngỏ, làm ngơ sẽ tạo ra tiền lệ xấu, tạo điều kiện cho sai phạm tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương khác...
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, hết tháng 8/2016, trên địa bàn tỉnh có 15.664 trường hợp vi phạm đất đai với tổng diện tích 847,8 ha. Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích như xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp, dựng lều, quán bán hàng, nhà xưởng... trên đất hành lang giao thông.
Đến hết tháng 12/2016, toàn tỉnh đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 10.365 trường hợp, trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 2.164 trường hợp; vận động tháo dỡ 3.320 trường hợp; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm đối với 643 trường hợp; rà soát, công nhận quyền sử dụng đất cho 4.2 trường hợp.
Các xã Tân Tiến và Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường) là các địa phương điển hình về vi phạm Luật Đất đai của huyện Vĩnh Tường và tỉnh. Tính đến hết tháng 8/2015, xã Đại Đồng có 566 trường hợp vi phạm Luật đất đai với tổng diện tích gần 470.000 m2; xã Tân Tiến có 319 hộ vi phạm với tổng diện tích trên 67.000 m2, đã xây dựng nhà ở, công trình kinh doanh dịch vụ, công trình chăn nuôi. Hiện nay một số công trình vi phạm đang tiếp tục xây dựng.
Trong năm 2016, trong 4 xã Đại Đồng, Nghĩa Hưng, Chấn Hưng và Tân Tiến (huyện Vĩnh Tường) có 86 trường hợp vi phạm (xã Chấn Hưng có 31 trường hợp vi phạm, xã Đại Đồng có 21 trường hợp vi phạm, xã Nghĩa Hưng có 14 trường hợp vi phạm, xã Tân Tiến có 20 trường hợp). Trong số 86 trường hợp nói trên, nhiều trường hợp tái vi phạm, nhiều trường hợp mới phát sinh.
Vấn đề xâm lấn đất nông nghiệp làm nhà, xưởng...trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra trong nhiều năm. Ý kiến bức xúc của nhân dân cũng được phản ánh nhiều ở các hội nghị, tiếp xúc cử tri, họp Hội đồng nhân dân tỉnh, người dân luôn mong muốn chính quyền địa phương, ngành chức năng ra tay xử lý nghiêm.
Các đơn vị chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng sai phạm trong quản lý đất đai vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng xâm lấn đất nông nghiệp, đất công thường tổ chức san lấp, tạo mặt bằng vào đêm tối, việc xây dựng nhà xưởng cũng diễn ra nhanh chóng...