Với đối tượng kiểm tra, người cán bộ mẫn cán ấy luôn nhận được sự nể phục, quý trọng bởi sự kỷ cương, nghiêm minh, tinh thần làm việc nghiêm túc, nhưng vẫn rất gần gũi, chân tình, nhân văn.
Nói về mình, ông Lê Văn Sỹ chỉ cười hiền rồi bảo: "Mỗi người một nhiệm vụ, công việc khác nhau và công việc của ông cũng bình thường như những đồng nghiệp khác. Có chăng là bản thân lớn tuổi, đã trải qua nhiều vị trí công tác nên có chút kinh nghiệm thực tế để xử lý tốt hơn các sự việc liên quan so với những anh em mới vào nghề."
Ông Lê Văn Sỹ sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1993, từ một giáo viên trường làng, ông được điều chuyển về công tác tại Huyện ủy Quảng Trạch. Năm 1985, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Với cách làm việc nghiêm túc, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và cách giải quyết, xử lý công việc “thấu tình đạt lý”, năm 2007 ông Sỹ được tín nhiệm điều động về công tác tại Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình. Hiện ông là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chuyên trách, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Phòng nghiệp vụ 1, cùng tập thể tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; xem xét, kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo thẩm quyền. Đồng thời, ông là Phó Bí thư Chi bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ.
Ông Lê Văn Sỹ cho biết: Trong quá trình kiểm tra, giải quyết vụ việc, có những việc tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay tìm hiểu, bàn bạc đưa ra giải pháp, cách xử lý, mới thấy không hề dễ dàng. Đối tượng kiểm tra không ai khác lại là đồng đội, đồng chí của mình; làm sao để xử lý nghiêm cán bộ, tổ chức vi phạm; răn đe đối với cán bộ, tổ chức khác; giúp đối tượng vi phạm biết được cái sai để nhận lỗi, sửa chữa, khắc phục và tốt lên. Làm sao để góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh là điều mà mỗi cán bộ kiểm tra luôn trăn trở, nghĩ suy, ông Sỹ chia sẻ.
“Có những vụ việc, ngày mai kết luận kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, nhưng đêm trước đó, anh em kiểm tra và đối tượng kiểm tra ngồi cùng nhau hàng tiếng đồng hồ, tâm tư, chuyện trò trên tinh thần đồng chí, dưới lá cờ Đảng, chỉ ra cái đúng, cái sai sao cho có lý, có tình để người vi phạm hiểu và giác ngộ, tự nguyện nhận khuyết điểm và biết sửa đổi sai lầm mắc phải”, ông Sỹ bộc bạch.
Ông nhớ đầu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc kiểm tra sai phạm của đồng chí Phó Bí thư một địa phương trong tỉnh, khi đó ông Sỹ được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn kiểm tra. Sau khi kiểm tra, xác minh, xem xét, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có kết luận cụ thể, chính xác, khách quan, công tâm và minh bạch các nội dung liên quan đến vụ việc.
Cụ thể, trong thời gian giữ chức vụ, đồng chí Phó Bí thư đó đã đưa vợ vào viên chức, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng tại một đơn vị không đúng quy định. Cùng với đó, con trai vị Phó Bí thư này mới được tuyển dụng công chức vào làm việc tại một đơn vị trên địa bàn, nhưng trong thời gian ngắn đã được “thăng chức” khá nhanh. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu đồng chí Phó Bí thư nghiêm túc rút kinh nghiệm về những khuyết điểm, vi phạm. Sau khi xử lý, khắc phục vi phạm, đồng chí đó được điều động về công tác tại một đơn vị khác trên địa bàn.
Để giải quyết những vấn đề phức tạp như trên, ông Sỹ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc trên nguyên tắc vô tư, khách quan, thẳng thắn, trung trực, chính xác; tích cực tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, xử lý kịp thời các vụ việc, đơn thư tố cáo, kiến nghị; thẩm định để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhiều trường hợp cán bộ. Ông cũng chủ động cùng đồng nghiệp bám sát quy định, quy trình, hướng dẫn để thực hiện có hiệu quả cao, xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời làm rõ, minh oan cho nhiều trường hợp bị tố cáo sai, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền, ổn định tình hình tại nhiều địa phương, đơn vị.
Trong 5 năm qua, ông đã trực tiếp tham gia kiểm tra khi có dấu hiện vi phạm đối với 1 tổ chức đảng và 5 đảng viên, làm trưởng đoàn 20 cuộc giải quyết tố cáo; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; giám sát đối với các tổ chức đảng trực thuộc và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Bên cạnh đó, ông luôn giữ phong cách giản dị, trung thực, hòa đồng, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên động viên, giúp đỡ cán bộ, đồng nghiệp khi gặp khó khăn, được lãnh đạo và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng.
Trong quá trình làm việc trong ngành Kiểm tra, ông Sỹ có nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, là thành viên tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh "Lịch sử ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Bình từ năm 1948 đến năm 2013"; sáng kiến "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng ở cơ sở”; thành viên tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học "Đề xuất các giải pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm tra, xác minh của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay"… Với những thành tích đạt được trong công tác, nhiều năm liền ông được công nhận đảng viên "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” cùng nhiều khen thưởng khác của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Năm 2018, ông Lê Văn Sỹ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nhiều năm gắn bó với ngành Kiểm tra, ông Sỹ tâm niệm “Kiểm tra Đảng là một phương thức để tổ chức Đảng quản lý, lãnh đạo vững mạnh hơn. Mục tiêu cuối cùng hướng tới là để tập thể, cá nhân tốt hơn và phát huy được sức mạnh đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Theo ông, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình; gưỡng mẫu, liêm chính, nếu có sai phạm phải thẳng thắn thừa nhận và kịp thời sửa sai.
Ông cho rằng nghề kiểm tra, giám sát Đảng là một nghề khó khăn, phức tạp. Trong bối cảnh đời sống kinh tế-xã hội phát triển, những vi phạm của cá nhân, tổ chức cũng đa dạng và tinh vi hơn. Trong khi năng lực, trình độ của cán bộ kiểm tra có lúc còn hạn chế; điều kiện và phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng còn bất cập. Vấn đề thẩm tra, xác minh đối tượng, sự việc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, bản thân người cán bộ kiểm tra cũng chịu nhiều áp lực, tác động từ nhiều phía, nếu lập trường tư tưởng và bản lĩnh không vững vàng thì rất dễ xê dịch, biến chất.
Vì vậy “Muốn làm kiểm tra tốt, người cán bộ kiểm tra phải yêu nghề, gương mẫu, không ngừng tìm tòi nghiên cứu, học hỏi; nắm vững nguyên tắc, cẩn trọng, tỷ mỷ, khách quan, trung thực, đặc biệt là phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tâm đức trong sáng và luôn đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên. Trong cuộc sống cũng như xử lý công việc, giữ vững nguyên tắc nhưng cần có tình người, tình đồng chí; kiểm tra Đảng trên tinh thần kiểm tra, giám sát, nhưng xây và giáo dục là chính”, ông Lê Văn Sỹ khẳng định.