Ở Đắk Lắk, nhiều cây cầu được đầu tư tiền tỷ nhưng thi công dở dang rồi để “dầm mưa dãi nắng”, trong khi người dân ở những vùng này đang phải chịu cảnh khốn khổ, hễ có mưa là bị cô lập.
Tiền tỷ phơi nắng, dân "đánh đu" tính mạng với cầu tạm
Năm 2003, cầu Nước Trong, thuộc địa bàn xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) được khởi công trong niềm hân hoan của người dân địa phương. Công trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Nông trường cà phê 718 làm chủ đầu tư với vốn đầu tư dự án lúc đó là 10 tỉ đồng. Chiếc cầu này là niềm mơ ước của hơn 10.000 người dân của 2.000 hộ thuộc 16 thôn vùng trung tâm xã Vụ Bổn ở tả ngạn con sông này. Bởi lâu nay chưa có lấy một chiếc cầu kiên cố qua sông, nên đời sống, sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Về mùa khô, hàng ngày người dân và học sinh còn có thể qua lại bằng chiếc cầu gỗ do chính quyền địa phương bắc tạm, còn mùa mưa dân ở 16 thôn phía bên kia sông gần như bị cô lập hoàn toàn. Các trường học ở trung tâm xã thường xuyên phải đóng cửa, có khi kéo dài cả tháng vì học sinh không dám đi học. Cảnh thiếu thốn lương thực, thực phẩm… của dân 16 thôn này thường xuyên xảy ra, nông sản làm ra không thể vận chuyển đi tiêu thụ được bị dồn ứ, hư hại. Vậy nên, việc xây dựng cầu Nước Trong không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một vùng quê nghèo.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thi công thì đến năm 2005, khi đơn vị thi công mới làm được 4 trụ và 2 mố cầu bằng bêtông, công trình bị ngừng lại. Giá trị khối lượng thi công tính đến thời điểm bị ngừng lại là hơn 2 tỷ đồng. Một năm sau đó, Nông trường cà phê 718 bị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE) ra quyết định giải thể. Vậy là các mô cầu hoành tráng vừa được đúc xong nằm “dầm mưa dãi nắng” từ đó đến nay. Năm 2007, vai trò chủ đầu tư Dự án cầu Nước Trong được VINACAFE chuyển cho Công ty Cà phê 719, nhưng do không được bố trí vốn nên công trình tiếp tục bị “đắp chiếu”. Cuối năm 2009, trước những bức xúc cũng như nhu cầu cấp thiết của người dân, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đề nghị VINACAFE tiếp tục đầu tư để sớm đưa cây cầu vào sử dụng, trong trường hợp không thể tiếp tục đầu tư thì phải thông báo để tỉnh có phương án giải quyết. Tuy vậy, phía VINACFE không có phúc đáp, hiện 4 trụ cùng 2 mố của cây cầu sau thời gian “dầm mưa dãi nắng” quá dài nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Công trình bị bỏ lửng dở dang, người dân địa phương lại tiếp tục phải sử dụng cây cầu gỗ bắc tạm để đi lại. Tuy nhiên, cây cầu gỗ này cũng đang trong tình trạng bị mục nát, mùa mưa không thể qua lại. Vì vậy, hễ có đợt mưa lớn là huyện Krông Pắk phải huy động 7 chiếc thuyền để giúp dân qua lại. Tuy nhiên, nếu mưa kéo dài, nước lên quá cao, chảy xiết thì những con thuyền này cũng phải xếp xó. Tất cả mọi hoạt động của hơn 10.000 con người ở bên kia sông đều phải chờ nước rút, mà có khi cả tháng trời nước chưa chịu rút. Để khắc phục giao thông khi nước dâng cao, ông Ngọ Văn Phúc, Trưởng thôn 15 có nhà ở sát bờ sông cùng 3 người khác đã vay tiền làm một chiếc cầu phao, với thiết bị làm nổi cầu là những chiếc thùng phuy, can nhựa. Tuy nhiên chiếc cầu phao có vốn đầu tư chỉ 40 triệu đồng nhưng chiều dài lên đến 200 mét nên không thể an toàn cho người qua sông. Vì vậy, chỉ những khi có việc gấp người dân mới dám sử dụng cây cầu phao này để vượt sông. Ông Phúc cho biết: hầu như mùa mưa năm nào ở “hà bá” cũng lấy đi một vài mạng người khi họ tìm cách vượt qua đoạn sông này.
Mới đây, trước bức xúc của người dân cũng như kiến nghị của chính quyền địa phương và ngành giao thông vận tải tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn phòng chống lụt bão để tiếp tục hoàn thành cầu Nước Trong. Tuy nhiên, theo ông Trần Thủ, Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông tỉnh Đắk Lắk, để hoàn thành được cây cầu này phải cần thêm ít nhất là 16 tỷ đồng. Vì vậy, với số vốn ít ỏi đã bố trí nói trên, đơn vị thi công không chịu tiếp tục thi công. Mới đây, Công ty TNHH MTV quản lý công trình giao thông Đắk Lắk đã chấp thuận nhận thi công công trình này. Theo kế hoạch chiếc cầu này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2012, với điều kiện là tỉnh Đắk Lắk phải tìm được đủ nguồn kinh phí (16 tỷ đồng) để thi công. Trong khi chờ tỉnh tìm vốn, người dân ở đây tiếp phải vượt sông bằng cầu phao dập dềnh.
Nhà thầu bỏ dở công trình, dân khốn đốn
Dự án xây dựng cầu Ea Khanh thuộc xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, được triển khai thi công từ tháng 10/2008, với nguồn vốn ngân sách của tỉnh đầu tư là 7,46 tỷ đồng, do Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510. Đây là công trình giao thông quan trọng của tỉnh Đắk Lắk và là tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Ea Súp với Ea Hleo. Công trình này đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm phục vụ nhiệm vụ an ninh - quốc phòng khu vực biên giới huyện Ea Súp và giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Lâu nay, việc giao thương, sinh hoạt của người dân xã Ea Wy, huyện Ea Hleo, người dân xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, đều phải nhờ vào vài cây cầu gỗ được bắc tạm bợ qua con suối sâu này. Ngày nắng còn có thể qua lại được, nhưng mỗi khi mưa xuống cầu gỗ thường xuyên bị nước cuốn trôi, giao thông tê liệt hoàn toàn. Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra khi cố vượt suối vào những ngày mưa lũ.
Theo kế hoạch, cầu Ea Khanh sẽ được đưa vào sử dụng sau 660 ngày thi công. Tuy nhiên sau khi thi công được hơn 30% khối lượng công trình thì nhà thầu dừng thi công, rút hết phương tiện và nhân công ra khỏi công trường. Hiện nay, sau 4 năm xây dựng, cầu Ea Khanh vẫn dang dở. Các mố, nhịp cũng như phần móng của cây cầu được thi công dở, trị giá hàng tỷ đồng lại không được bảo quản trong suốt một thời gian dài nên đã xuống cấp trầm trọng, hư hỏng; sắt thép bắt đầu hoen gỉ, có những thanh sắt chỉ cần tác động nhẹ là gãy ngang, móng cầu bị lở lói...
Cầu kiên cố được thi công dở dang, trong khi nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng ngày càng lớn. Trước tình hình đó, gần đây một số người dân địa phương đã tự góp vốn đầu tư 2 cây cầu gỗ được gia cố bằng dây cáp sau đó đứng ra thu phí người qua lại. Giá cho mỗi lượt xe máy qua cầu thấp nhất là 10.000 đồng, còn nếu chở nặng là 20.000 đồng. Ông Phan Đăng Lưu, người tự đứng ra làm cầu cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi làm cầu để thu phí. Nói thật, phí thu hơi cao và chúng tôi cũng biết, làm thế này là sai, nhưng thử hỏi, nếu không có cầu của chúng tôi thì bà con làm sao đi qua suối Ea Khanh này được?”. Ông Lưu còn cho biết, tổng kinh phí làm cầu tạm lên là hơn 70 triệu đồng, chưa kể chi phí bảo dưỡng.
Tiền Nhà nước đang bị lãng phí, trong khi người dân nơi đây đang phải trả phí qua cầu với giá cao để vượt suối, hoặc "đánh đu" tính mạng trên những chiếc cầu tạm bợ.
Việt Dũng