Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khuyên người dân không nên hoang mang, vội vàng, nên bình tĩnh chờ chính sách hỗ trợ về lâu dài của Chính phủ cũng như của ngành ngân hàng giai đoạn sau để được hưởng ưu đãi dài hơn.
Người đứng đầu Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, nếu trong hợp đồng các ngân hàng thương mại thông tin mập mờ chưa rõ, khiến người dân có thể không được hưởng quyền lợi đáng lẽ sẽ được hưởng thì người dân có thể kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm xử lý những trường hợp này cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp lý giải vì sao ngừng gói hỗ trợ này. Việc giải ngân cho vay hỗ trợ mua nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng), nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 1/6/2013).
Cơ quan này cũng khẳng định, đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (thời hạn vay tối đa 15 năm).
Trong một động thái khác, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản số 1425/NHNN-TD gửi một số ngân hàng thương mại về việc thực hiện Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Theo văn bản này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại kiểm tra, rà soát lại các văn bản hướng dẫn nội bộ và các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng (bao gồm cả phụ lục hợp đồng tín dụng, các văn bản thông báo lãi suất…) đã đúng quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước hay chưa.
Cụ thể, phần dư nợ được giải ngân từ ngày Ngân hàng Nhà nước kết thúc giải ngân tái cấp vốn trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt thời gian vay vốn, phần dư nợ giải ngân sau thời điểm này hưởng lãi suất vay thương mại theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra, rà soát việc cho vay, giải ngân đối với khách hàng theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các văn bản hướng dẫn và quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời nghiêm cấm các hành vi lách luật, trục lợi chính sách trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước kết thúc giải ngân tái cấp vốn.