Thẻ căn cước đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
Về dự thảo Luật Căn cước, luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án số 06 Chính phủ đang triển khai thực hiện.
Tại kỳ họp lần này, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng về các thuật ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản và các nhóm vấn đề lớn mà nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về giải thích từ ngữ; về quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; về các hành vi bị nghiêm cấm; về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong hai Cơ sở dữ liệu này; về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước...
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Ngoài các vấn đề chính nêu trên, các đại biểu Quốc hội còn góp ý vào những điều luật cụ thể của dự thảo Luật Căn cước như quy định về giải thích từ ngữ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, căn cước điện tử; việc thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu; về thẩm quyền cấp, thời hạn cấp và đổi thẻ...
Giải trình tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: "Có đại biểu băn khoăn việc sử dụng chip hoặc QR code có bị theo dõi không? Bộ Công an khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử và QR code, căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an cũng như bất cứ cơ quan nào không được và không thể làm việc này. Đồng thời, chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho công dân - những người sử dụng thẻ không bị theo dõi bởi bất cứ cơ quan nào".
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như cơ quan soạn thảo, cơ bản tán thành với nội dung dự thảo luật qua tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo tiếp thu, giải trình. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ các ý kiến; Ủy ban Quốc phòng An ninh cần khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan tổ chức tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm chất lượng, đúng chương trình kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.
Thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm
Chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, với 470/472 phiếu tán thành (tương đương 95,14% tổng số đại biểu Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau hơn 1 ngày làm việc, trong không khí dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
"Đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc và trách nhiệm cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Công tác thuộc chương trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đã hoàn thành", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Ngăn chặn tình trạng sim rác
Trong chiều 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Thảo luận ở hội trường, đa số các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan đã tích cực phối hợp, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đối với dự án Luật này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; đồng thời, quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.
Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày. Dự thảo luật cũng quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Về quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn sim không đúng thông tin thuê bao - sim rác, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim rác, cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động; quy định xử lý chủ thuê bao này nếu có vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó.