Với tiêu đề "Chúng tôi muốn phá vỡ sự im lặng về hậu quả của chất độc da cam ở Việt Nam", bài viết nhấn mạnh 60 năm sau ngày quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất độc da cam, một hóa chất diệt cỏ cực mạnh có chứa dioxin, một tiền tố gây ung thư và các dị tật bẩm sinh, xuống nhiều khu vực ở miền Nam Việt Nam, những hậu quả của chất độc này vẫn còn hiện hữu. Do đó, một nhóm nhân vật có uy tín ở Pháp mong muốn đưa tội ác này ra khỏi sự lãng quên và kêu gọi thế giới dành một ngày chính thức để tưởng nhớ các nạn nhân da cam.
Theo bài viết, trong sách lịch sử và địa lý của Pháp, ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, Chiến tranh Việt Nam cũng được đề cập đến. Tuy nhiên, nội dung giảng dạy chỉ giới hạn trong những nét chính về cuộc chiến đã qua, nhưng lại không nhắc tới những hậu quả thảm khốc vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay, ảnh hưởng nặng nề đối với hệ sinh thái và cư dân. Các giáo viên cũng thường xuyên bỏ qua việc nhấn mạnh sự khác biệt giữa bom napalm và chất độc da cam, điều mà người Pháp không phải lúc nào cũng phân biệt được bởi họ không hề có mặt ở đó khi thảm họa da cam diễn ra, và cũng bởi sự nổi tiếng của tấm hình chụp một em bé Việt Nam bị bỏng bởi bom napalm năm 1972. Điều này dẫn tới những nhận thức mơ hồ về một cuộc chiến tranh ở một nơi xa xôi và trong dĩ vãng. Tuy nhiên, cuộc chiến này, đối với các cựu chiến binh và con cháu của họ thì khó có thể quên được, thậm chí họ luôn phải âm thầm chịu đựng cho đến nay.
Bài viết nhấn mạnh đất nước và người dân Việt Nam đã quen nhìn thấy những khuôn mặt và những thân hình biến dạng. Những mảnh đời bất hạnh đó cũng quen sống trong im lặng, chịu đựng nỗi đau mà thậm chí đôi khi họ không hề biết rằng mình là nạn nhân của hậu quả từ vụ rải chất độc da cam trước kia. Vì vậy, cần phải phá vỡ sự im lặng này.
Bài viết cho rằng tất cả nạn nhân da cam không đáng phải chịu đựng nỗi đau và sự thiệt thòi, khi không được chính thức công nhận như các cựu chiến binh Mỹ, sống trong những điều kiện vật chất thiếu thốn và hầu như không được thế giới nhớ đến dù chỉ trong ký ức. Do đó, cần phải đấu tranh giành công lý cho họ kể cả ở Việt Nam cũng như ở các nước khác.
Trong khi đó, các hiệp hội ở Pháp, chịu trách nhiệm xác minh các gia đình và các thế hệ có khả năng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam vẫn gặp khó khăn lớn trong việc xác định những đối tượng bị tổn thương, một phần bởi những người này thường xấu hổ, muốn che giấu nỗi bất hạnh và cũng bởi thiếu thông tin về nguồn gốc.
Chính vì những điều này, bài viết đề nghị các nghị sĩ Quốc hội Pháp tham gia việc đền bù cho những bất công mà tất cả nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu, bằng cách công nhận tội ác từng được thực hiện ở Việt Nam và ở các nước láng giềng như Campuchia và Lào. Hiệp hội Collectif Vietnam-Dioxine kêu gọi lấy một ngày chính thức để tưởng niệm các nạn nhân chất độc da cam, cũng như xem xét đưa vào giảng dạy trong nhà trường về tác động của Chiến tranh Việt Nam đối với con người và hệ sinh thái. Hiệp hội khẳng định sẽ tiếp tục vận động và nỗ lực tham gia để ủng hộ Việt Nam.