Tìm gặp người kéo cờ trên nóc Dinh Độc Lập năm xưa, Đại tá Bùi Quang Thận, những ngày tháng tư này thật khó, bởi ông liên tục được mời đi nói chuyện tại các đơn vị, trường học trong huyện, tỉnh. Sau hơn chục cuộc điện thoại và rất nhiều hò hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng “bắt cóc” được Đại tá Bùi Quang Thận khi ông vừa kết thúc buổi nói chuyện với thầy và trò trường THPT Đông Thụy Anh tại thị trấn Diêm Điền vào một ngày trung tuần tháng tư đầy nắng. Trong căn nhà nhỏ tại xã Thụy Xuân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), buổi trưa hôm ấy, trong cuộc rượu với những đặc sản “cây nhà lá vườn”: Cá vược bắt ở dưới ao lên và món nộm sứa, gỏi nhệch trứ danh của vùng đất ven biển Thái Bình, Đại tá Bùi Quang Thận đã trò chuyện với chúng tôi về những ngày hoa lửa tháng 4 năm 1975, đặc biệt là giây phút kéo lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Tất cả tươi mới như vừa hôm qua…
Những ngày tháng tư lịch sử hẳn là luôn gợi lại trong ông ký ức về những ngày hoa lửa. Cảm xúc của ông thế nào?
Những ngày tháng tư luôn mang lại cho tôi nỗi xúc động, bồi hồi, có cảm tưởng như mình đang sống lại những phút giây ngày ấy. Nhớ quân ngũ, nhớ bạn bè, nhớ chiến trường xưa… cứ lẫn lộn, đan xen!
36 năm đã trôi qua, ông còn nhớ những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh…
Tôi không thể nào quên, dù chỉ một giây phút!
Được biết, ông vẫn thường được mời đi nói chuyện tại các đơn vị, trường học như một nhân chứng lịch sử. Vậy ông có thể kể lại chi tiết những ngày hoa lửa ấy không?
Những ngày tháng 4 năm 1975, thời tiết bắt đầu báo hiệu sắp chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa. Từ Tây Nguyên, chúng tôi băng đường 19 xuống quốc lộ 1A, thần tốc tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Rạng sáng ngày 26 tháng 4, chỉ trong vòng ba ngày, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chọc thủng tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở hướng đông - bắc, căn cứ Nước Trong, là nơi đồn trú của đám tàn quân thuộc sư đoàn 18, lực lượng trường sĩ quan tăng thiết giáp, trường biệt kích thám báo của ngụy.
Sáng 30 tháng 4, chúng tôi tiếp tục truy kích địch ở trường sĩ quan Thủ Đức và cầu Sài Gòn, tiêu diệt một số tàu của địch trên sông Sài Gòn.
9 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi chỉ huy Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 vượt cầu Sài Gòn tiến về Ngã tư Hàng Xanh. Sau khi tiêu diệt một số xe tăng, thiết giáp của ngụy ở Ngã tư Hàng Xanh và cầu Thị Nghè, đoàn xe tăng của đơn vị chúng tôi tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.
Và ông lên kéo cờ trên nóc Dinh Độc Lập?
Bốn chiến sĩ Đoàn Hương Giang đã cắm cờ trên nóc phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành-TTXVN |
Đến cổng Dinh Độc Lập, thấy cổng đóng, tôi ra lệnh bắn vào cổng dinh. Không hiểu sao khi ấy đạn lại không nổ!? Ngay lập tức, tôi liền ra lệnh quay nòng pháo xe húc vào trụ trái của cổng chính. Không hiểu sao húc đến lần thứ ba mà cổng Dinh Độc Lập vẫn cứ trơ ra, không hề lay chuyển. Liền lúc ấy, xe 390 do Chính trị viên đại đội 4 là đồng chí Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao vào húc đổ cổng dinh. Ngay lập tức, cả hai xe lao thẳng vào trong sân Dinh Độc Lập.
Những ngày này của 36 năm về trước, cùng với các đồng chí đồng đội của mình, Đại đội trưởng Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 Bùi Quang Thận đang sống trong những giờ phút hào hùng của lịch sử dân tộc. Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, lịch sử đã trao cho anh trọng trách là người đầu tiên kéo lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chứng kiến giây phút nước Việt Nam thống nhất, Bắc- Nam sum họp một nhà. 36 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại cái khoảnh khắc thiêng liêng ấy, người lính Bùi Quang Thận (trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) vẫn không khỏi rưng rưng xúc động. “Chứng kiến giây phút “biển xanh, sông gấm nối liền một vòng Việt Nam”, không chỉ riêng tôi, cả triệu con tim vỡ òa…”. |
Khi xe tăng đã vào hẳn trong sân Dinh Độc Lập, tôi ôm cờ lao ra khỏi xe, chạy thẳng một mạch lên tầng hai. Lúc ấy mới chợt nhớ ra rằng mình không mang bất cứ một thứ vũ khí gì theo. Phải nói thật rằng lúc ấy trong lòng cũng hơi run nhưng biết chắc nếu quay trở lại thì cũng không kịp nữa rồi vì đã “vào hang cọp”. Sau một phút trấn tĩnh, tôi yêu cầu một quan chức ngụy quyền Sài Gòn mà tốt nhất là ông Dương Văn Minh dẫn tôi lên chỗ cột cờ để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, ông Dương Văn Minh lại giao cho một quan chức ngụy quyền Sài Gòn (mà sau này tôi mới biết đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa thanh niên Lý Quý Chung dẫn lên). Ông Chung dẫn tôi vào thang máy. Khi chỉ có hai chúng tôi trong đó, tôi cũng hơi ngại. Nói thật lúc ấy mình có biết thang máy là cái gì đâu, chỉ nhìn thấy nó giống như… cái hòm, nghĩ bụng chẳng may nó mà nhốt mình ở trong ấy thì nguy (!). Nhưng “tiến thoái lưỡng nan”, tôi liền đẩy ông Chung vào trước còn mình vào sau.
Đến lúc thấy ông Chung giơ tay bấm nút tôi liền chặn lại. Ông Chung phân trần, giải thích cho tôi hiểu phải bấm nút thang máy thì mới lên được cột cờ, tôi mới bỏ tay ra. Lên đến nơi, ông Chung bỏ xuống. Còn lại một mình, tôi nhanh chóng hạ cờ của ngụy quyền Sài Gòn rồi kéo cờ Giải phóng lên. Kéo cờ Giải phóng lên được một đoạn, không hiểu sao lúc ấy nghĩ thế nào, tôi lại hạ xuống, lấy bút ghi dòng chữ “11h30 ngày 30.4 Thận” rồi mới lại kéo lên. Kéo cờ xong, tôi chạy xuống bằng cầu thang bộ. Xuống đến tầng hai, thấy cờ Giải phóng đã được các đồng đội cắm lên khá nhiều. Xuống dưới sân, tôi thấy hầu hết các quân đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đều đã có mặt. Phóng tầm mắt ra bốn phía xung quanh, tôi thấy khắp nơi, trên tất cả các dinh thự, các nóc nhà đều phấp phới lá cờ Giải phóng phần phật tung bay trong gió. Mọi việc cứ thế loang loáng diễn ra. Tiếng hô bật lên từ mọi phía: “Việt Nam thống nhất độc lập muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại muôn năm”…
Khi kéo lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập, cảm xúc của ông lúc ấy thế nào?Cảm xúc lúc ấy lạ lùng lắm! Nhưng tựu trung lại, đã là người lính khi xung trận ra nơi hòn tên mũi đạn, có thể sẽ hi sinh nhưng không cho phép mình được sợ hãi. Điều thường trực trong đầu tôi lúc ấy là làm sao phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại sao ông lại hạ cờ xuống khi đã kéo lên được giữa chừng và viết dòng chữ “11h30 ngày 30.4 Thận” vào đó?Đã có rất nhiều người hỏi tôi câu đó! Nhiều người còn cho rằng tôi hạ cờ xuống và viết dòng chữ “11h30 ngày 30.4 Thận” rồi mới lại kéo lên là do động cơ cá nhân, nhưng tôi khẳng định rằng lúc ấy chẳng có động cơ nào cả. Có chăng, tôi chỉ kịp nghĩ rằng sau này nếu ai cầm lá cờ ấy sẽ biết được mốc thời gian kéo cờ vào cái thời khắc lịch sử ấy, và chữ “Thận” là do tiện tay viết vào mà thôi. Sau này, khi tôi không được tuyên dương anh hùng, nhiều người cho rằng tại tôi ghi tên lên cờ là vì động cơ cá nhân. Tôi khẳng định rằng lúc ấy chẳng nghĩ được điều gì cho mình, lại càng không bao giờ nghĩ được rằng lá cờ mình cắm rồi sẽ được đưa vào viện bảo tàng, và mình sẽ được ghi công. Hành động đó là hoàn toàn bột phát!
Hạnh phúc là ông còn sống và lành lặn trở về trong khi bao đồng đội đã ngã xuống. Trở lại với đời thường, cảm giác của ông thế nào?Tôi về hưu năm 2000 với quân hàm Đại tá. Sau bao nhiêu năm vào sinh ra tử, nơi hòn tên mũi đạn, mà không chết, được trở về với gia đình, người thân là hạnh phúc lắm rồi. Cuộc sống của tôi hiện nay, nói chung về kinh tế không có điều gì phải lo lắng, con cái đã trưởng thành cả. Vài năm nay làm đầm nuôi cua, cá nhưng tôi không phải vay mượn ngân hàng. Trái lại, mỗi năm có dư dật chút ít, thành thử cuộc sống cũng không đến nỗi nào.
Điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi, cho đến lúc này, là được kéo lá cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, được trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến giờ phút sụp đổ thảm hại của ngụy quân, ngụy quyền.
Cuối cuộc rượu, Đại tá Bùi Quang Thận mới giãi bày: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không phải đơn vị ông mà Quân đoàn 4 mới là đơn vị vinh dự được nhận nhiệm vụ tiếp quản Dinh Độc Lập bởi họ nắm toàn bộ mạng lưới tình báo chiến thuật, thông thuộc địa bàn Sài Gòn nhưng bất ngờ gặp phải ổ đề kháng của địch nên không kịp tiến vào. Ngay trong Lữ đoàn 203 cũng có đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp quản Dinh Độc Lập với đầy đủ cờ, máy ảnh, máy quay phim, và thậm chí có cả văn bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh… Nhưng cuối cùng, ông lại được lịch sử trao trọng trách vinh quang đó.Kỳ Bá (thực hiện)