Tại các địa phương trong các khu vực này, hầu hết những diện tích rừng đều có nguy cơ cháy rất cao và thường xuyên ở cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm).
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa có công điện số 156/CĐ-TCLN-KL gửi các tỉnh đề nghị chỉ đạo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể với từng thành viên của Ban chỉ đạo để tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.
Theo Công điện này, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã cần duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng trong cộng đồng dân cư.
Địa phương để xảy ra cháy rừng phải chủ động xử lý kịp thời; làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt của các chủ rừng không thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội và các lực lượng có liên quan) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; phát hiện kịp thời điểm cháy; hướng dẫn khách tham quan du lịch tại những khu vực trọng điểm cháy rừng cao; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cùng với đó, các địa phương cần bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra tại các khu vực trọng điểm; rà soát thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, có phương án chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.
Chủ động xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy, làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao.