Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tâm sát sao các hoạt động nhân đạo

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một trong 5 vị Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến thời điểm này. Ông làm Chủ tịch danh dự của Hội trong 7 năm, từ năm 1995 - 2001.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Những năm sau này, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn luôn quan tâm sát sao đến các hoạt động nhân đạo và dành tình cảm lớn lao cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ. TTXVN xin giới thiệu bài viết của Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng về những kỷ niệm của ông với vị Chủ tịch danh dự của Hội - Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Là cán bộ của Trung ương Hội, trong 10 năm qua, tôi có may mắn hàng năm được đến thăm bác Đỗ Mười. Năm nào bác Đỗ Mười cũng hỏi thăm và biểu dương kết quả hoạt động nhân đạo của Hội. Dịp Tết Quý Tỵ 2013, khi nghe báo cáo kết quả Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, bác Đỗ Mười vui lắm, cười rạng rỡ, bác nói: “...Đến mấy tháng nay, tôi mới được cười thoải mái đến thế vì thấy Hội Chữ thập đỏ triển khai Phong trào đạt kết quả tốt, thiết thực, dân nghèo được vui Tết, đón xuân...”.

Bác Đỗ Mười dí dỏm, hài hước, thường cười rất tươi mỗi khi chúng tôi đến thăm. Chúng tôi thường nhận được những cái vỗ vai rất mạnh khi bác Đỗ Mười phấn khởi chỉ đạo, định hướng công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.

Ngày 26 Tết Giáp Ngọ 2014, sau khi tổ chức đêm nhạc và đến tận nhà dân để tặng quà Tết và hát cho bà con dân tộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trở về Hà Nội, ca sĩ Thu Thủy (Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2) và ca sĩ Tố Uyên (Đoàn Ca múa nhạc Việt Nam) cùng đoàn công tác của Trung ương Hội đã đến nhà bác Đỗ Mười để báo cáo kết quả Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Các nghệ sỹ hát tặng bác Đỗ Mười bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ” của nhạc sĩ Trần Hoàn. Khỏi cần nói cũng biết bác Đỗ Mười vui đến như thế nào. “Hai con chim chiền chiện mang cả mùa xuân Tây Bắc về cho bác đây...”, bác hóm hỉnh nói và nhắc sĩ quan cận vệ cất kỹ cuốn album đầu tay “Dư âm” do ca sĩ Thu Thủy tặng vào tủ băng đĩa gia đình.

Ngày 26/4 và ngày 23/5/2013, chúng tôi đến thăm bác Đỗ Mười nhân dịp Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và báo cáo kết quả các hoạt động của Hội, khi biết Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phát triển dự án “Ngân hàng bò” thông qua chương trình truyền hình “Lục lạc vàng - Kết nối những miền quê” và “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, bác Đỗ Mười vui lắm. Có lẽ chưa bao giờ chúng tôi thấy bác Đỗ Mười vui như thế. Trong hơn một giờ đồng hồ, bác say sưa hỏi chuyện và nói cảm nghĩ của mình về 2 chương trình do Trung ương Hội phối hợp tổ chức, mà theo bác Đỗ Mười là đã gây nhiều xúc động, chạm được tới trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam.

Bác Đỗ Mười nói: “Các đồng chí rất giỏi, có nhiều công lao trong thực hiện chương trình Lục lạc vàng. Việc vận động nguồn lực, làm chương trình chắc gặp nhiều vất vả, khó khăn, để mỗi tuần đưa được 6 cặp bò đến tận tay các hộ dân nghèo không phải là việc dễ. Thấy bà con hồ hởi, vỗ tay, tôi ở nhà xem truyền hình cũng thấy phấn khởi lắm. Tôi cùng các đồng chí đi làm cách mạng, cũng chỉ mong sao đời sống nhân dân được no ấm, cải thiện.

Chương trình ngoài ý nghĩa nhân đạo, còn có ý nghĩa chính trị rất lớn, thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với nhân dân và thực hiện Lời dạy của Bác Hồ: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, người khá, giàu thì giàu thêm”. Chương trình Lục lạc vàng, Dự án “Ngân hàng bò”  cho mà lại là không cho, lấy sức dân lo cho dân, vận động người giàu hỗ trợ người nghèo. Chương trình của các đồng chí thực hiện hay như thế, đi vào lòng người như thế, đề nghị các đồng chí làm lâu dài, có thể 10 năm, cũng có thể lâu hơn, bao giờ hết người nghèo thì mới thôi. Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước có phần thưởng xứng đáng cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và những người có sáng kiến thực hiện chương trình nhân văn, nhiều ý nghĩa này; đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo tích cực tuyên truyền sâu rộng để các tổ chức, cá nhân và toàn dân hưởng ứng, ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình...”.

Bác Đỗ Mười còn khen Chương trình được tổ chức khéo léo, nhẹ nhàng, cảm động, sáng tạo, gần gũi, cảm thông, chia sẻ với dân nghèo. Bác nói: “Tôi chưa thấy có chương trình, dự án nào hay như Chương trình Lục lạc vàng và Dự án “Ngân hàng bò” này, chắc chỉ duy nhất ở Việt Nam mới sáng tạo và nhân văn đến thế, nên từ khi phát sóng Chương trình Lục lạc vàng, không có buổi nào tôi không xem...”.

Sự quan tâm gần gũi, ấm áp mà thiết thực của bác Đỗ Mười đối với công tác nhân đạo luôn ghi sâu trong lòng những cán bộ Hội Chữ thập đỏ chúng tôi.

Thành kính tưởng nhớ, xin ghi lại vài dòng về những kỷ niệm của bản thân với vị Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Đỗ Mười.

 

Trần Quốc Hùng
Danh sách các tuyến đường cấm trong hai ngày Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Danh sách các tuyến đường cấm trong hai ngày Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Để đảm bảo an ninh, an toàn và giao thông thông suốt, phục vụ Lễ Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Công an TP Hà Nội thông báo phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện trong diện hạn chế, diện tạm cấm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN