Hiện đại, uy nghi trên nền đất lịch sử, linh thiêng của Thủ đô và cả nước, công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới như một minh chứng sống động cho thành tựu xây dựng, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếp nối lịch sửTrên nền Hội trường Ba Đình cũ, giờ đây là Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới tọa lạc trên con đường mang tên Độc Lập. Phía đối diện là Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà Quốc hội kế thừa một trục không gian đặc biệt, in dấu trong hàng triệu triệu trái tim đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Nhà Quốc hội mới chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ họp thứ 8. Ảnh: Báo đại biểu nhân dân |
Khởi công xây dựng ngày 12/10/2009, nhưng Dự án đặc biệt này được khởi động từ trước đó nhiều năm để chọn tìm một phương án kiến trúc thích hợp với yêu cầu phác họa một bức tranh hòa quyện giữa hiện tại và quá khứ. Trong quá trình đó, những phát tích quan trọng từ kết quả khai quật khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long cũng đã đưa ra một đòi hỏi mới về phương án kiến trúc Nhà Quốc hội bên cạnh một không gian thấm đẫm bóng dáng của văn hóa, lịch sử các triều đại xưa. Trải qua rất nhiều lần lấy ý kiến nhân dân, cuối cùng phương án được lựa chọn trên cơ sở thiết kế của liên danh tư vấn thiết kế của Cộng hòa liên bang Đức có điều chỉnh, bổ sung theo góp ý của các chuyên gia Việt Nam.
Như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc kiểm tra mới đây về tiến độ hoàn thiện Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới: Kể từ nước Việt Nam thống nhất, đây là lần đầu tiên có một công trình trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước quy mô lớn, yêu cầu công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại, thi công phức tạp như công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới. Với ý nghĩa chính là nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng nơi đây cũng sẽ còn là địa điểm tổ chức các lễ kỷ niệm, các cuộc mít tinh lớn vào những ngày trọng đại của đất nước và là nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Nơi hội tụ của công nghệ và lòng quyết tâmĐược thiết kế như một khối tòa nhà 4 mặt vuông, cao 39 m mang đường nét khỏe khoắn, vẻ uy nghiêm của cơ quan quyền lực tối cao, song, công trình Nhà Quốc hội lại vẫn mang đậm nét văn hóa và lịch sử dân tộc với nhiều chi tiết từ nội thất, góc nhìn và hoa văn trang trí. Công trình gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với 35.000 m2 diện tích xây dựng và trên 60.000 m2 diện tích sàn. Tổng số vốn bố trí thực tế cho dự án đến nay là 5.517,59 tỉ đồng.
Giới thiệu công năng của tòa nhà, kỹ sư Đỗ Thiều Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình trụ sở Nhà Quốc hội - cho biết, Nhà Quốc hội có tổng số hơn 80 phòng họp lớn nhỏ. Tính riêng đường dây điện chính cả tòa nhà đã dài tới cả ngàn km.
Từ sảnh chính vào tòa nhà, hai bên là hai hệ thống thang cuốn chạy từ tầng 1 đến tầng 3 với sảnh giữa rộng và thoáng, không gian mở. Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thiết kế với hệ thống 6 màn hình xung quanh giúp các đại biểu dễ dàng quan sát diễn biến phiên họp. Hai bên tường là những bức tranh gợi nhớ đến phong cảnh làng quê Việt Nam mộc mạc, ấn tượng.
Trung tâm của Nhà Quốc hội là phòng họp chính, có mái vòm màu xanh, gồm 2 tầng. Xen kẽ là hàng nghìn bóng đèn chiếu sáng với công nghệ chiếu sáng lập trình điện tử đa tần. Phòng họp được chia thành 2 tầng với 600 chỗ ngồi, uốn theo hình vòng cung. Phòng họp được bố trí toàn bộ hệ bàn nâng, giật cấp, hướng về sân khấu trung tâm, gắn trên đó là thiết bị kỹ thuật để phát biểu, biểu quyết, sử dụng tai nghe tiên tiến nhất. Ngay cửa chính của Hội trường, qua lớp cửa kính chịu lực hiện đại, đại biểu và khách tham quan có thể nhìn toàn cảnh Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Trung tâm báo chí Nhà Quốc hội cũng là một điểm nhấn của công trình với những hiệu năng vượt trội so với tất cả các trung tâm báo chí trong nước và không thua kém những phòng họp báo tại các trụ sở làm việc quy mô hàng đầu châu Âu và thế giới. Trung tâm được thiết kế với 300 chỗ ngồi nằm ngay bên trái tầng hầm thứ 2 của tòa nhà, có những tiện nghi, công nghệ hàng đầu về studio, hội thảo truyền hình, đường truyền, đáp ứng nhu cầu tác nghiệp của đội ngũ phóng viên.
Niềm tự hào khơi dậy ý chí quyết tâm, Ban Quản lý dự án cùng các nhà thầu huy động nhân công và giám sát làm việc cả 3 ca liên tục, với lực lượng thi công lên đến 2.000 người với trình độ tốt nhất, tập trung điều hành, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị với hiệu quả cao nhất, tất cả vì chất lượng và tiến độ công trình.
Hiện tại, công tác dọn dẹp, vệ sinh được triển khai gấp rút với hàng trăm nhân công và làm việc 24/24 giờ, theo hình thức làm đâu, dọn đấy để bảo đảm mặt bằng sạch trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8.
“Chúng tôi hy vọng công trình này đáp ứng các nhiệm vụ theo yêu cầu đặt ra của Quốc hội về thiết kế, chất lượng, công năng, đồng thời trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới; tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của dân tộc, đại diện cho một đất nước yêu chuộng hòa bình, rộng mở và phát triển”, kỹ sư Quang chia sẻ.
Quang Vũ