Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội
Ông Phan Văn Quảng, nguyên Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: Chính sách bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc hình thành, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội đòi hỏi thời gian dài trong khi chúng ta mới thực hiện được hơn 20 năm. Vì vậy, việc xây dựng chính sách, pháp luật, thiết kế bộ máy tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa đồng bộ. Ngoài ra, cơ cấu lao động ở nước ta phần lớn làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động, thu nhập của số đông người dân còn thấp và không ổn định, áp lực chi tiêu lớn, mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức dựa trên mô hình gia đình truyền thống còn phổ biến khiến không ít người dân chưa quan tâm tham gia bảo hiểm xã hội. Để bảo hiểm xã hội thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đọng, trục lợi bảo hiểm xã hội theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội và cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội có thẩm quyền xử phạt…
Khuyến khích trọng người tài
Liên quan đến Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" đang được thảo luận tại Hội nghị, ông Lê Văn Chấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cho hay: Đảng đã nhận thấy những khuyết điểm trong công tác cán bộ thời gian qua cần phải nghiêm túc tìm ra các biện pháp để khắc phục, sửa chữa. Cái tốt hiện nay là lòng dân thống nhất cao với Đảng và Đảng đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm trong công tác cán bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và dân tộc. Những vấn đề như chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.
Ông Mã Tuấn, Bí thư Chi bộ Tổ 8, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku (Gia Lai) cho rằng, cán bộ, công tác cán bộ có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở nhiều nơi muốn có việc làm phải “mua việc”, chưa thật sự trọng người tài; công tác giám sát, kiểm tra trong công tác cán bộ còn lỏng lẻo, nhiều bất cập, chủ trương đúng nhưng khi thực hiện có nơi không đúng. Ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, người đứng đầu của một tỉnh là người tỉnh khác đến thực thi nhiệm vụ cũng là vấn đề nên thực hiện.
Theo ông Tuấn, liên quan mật thiết tới công tác cán bộ là chế độ tiền lương. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức quá đông nên cần giảm tới 1/3 và tăng mức lương cơ bản để cán bộ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Ông Tuấn cho rằng Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" là những vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Do đó, ông Tuấn mong Trung ương ra được nhiều chính sách đúng hơn nữa để ổn định chính trị, từng bước nâng cao đời sống; khuyến khích và trọng người tài, xóa bỏ bất công, tham nhũng.
Chính sách tiền lương chưa tạo động lực cho người lao động cống hiến
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Huỳnh Văn Tâm, hiện chính sách tiền lương dù đã cải cách nhưng vẫn chưa tạo được động lực đủ mạnh cho người hưởng lương để phát huy tài năng và cống hiến, không thu hút được nhân tài. Mặt khác, tiền lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Ngoài ra, có quá nhiều loại phụ cấp, đặc biệt là phụ cấp theo nghề và hệ số tiền lương tăng thêm đã phát sinh nhiều bất hợp lý. Do đó, Đề án cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là đề án hết sức có ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải cải cách chính sách tiền lương.
Việc cải cách chính sách tiền lương thời gian tới có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta được kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, phát triển và hội nhập; nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ, hoàn thiện. Nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước tạo nền tảng cho cải cách chính sách tiền lương đã được ban hành, nhất là về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Thế và lực của nền kinh tế đã lớn mạnh hơn, thị trường lao động ngày càng phát triển; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng tăng, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn; tiềm lực ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp trong khi nhu cầu chi rất lớn cho đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… Vì vậy, Đề án cải cách tiền lương đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần này cần phải có những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.