Đêm trước ngày Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức chương trình quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19, điện thoại của tôi đổ chuông. “Cô Giang ơi, ngày mai tôi định thế này: Khi đi qua chốt kiểm dịch giữa tỉnh Quebec và Ontario, tôi sẽ nói với cảnh sát là tôi lên Đại sứ quán Việt Nam có việc. Cảnh sát chắc sẽ cho tôi đi qua chốt kiểm dịch, cô nhỉ?”. Đó là kế hoạch “ứng phó” với cảnh sát của bác Trần Văn Vị, một Việt kiều tuổi đã trên 80, vẫn không quản đường xá xa xôi và các điều kiện kiểm soát đi lại khắt khe giữa các tỉnh của Canada, mong muốn đến được trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa, để gửi một tháng lương hưu về quê nhà. Từ tháng 4/2021, để chặn đà lây lan của dịch bệnh, chính quyền tỉnh Ontario đã lập các chốt kiểm soát tại ranh giới với các tỉnh khác và chỉ cho phép người dân đi qua với lý do thật sự cần thiết.
Tôi lặng người trước tấm chân tình với quê hương của một người đã gần nửa thế kỷ sống nơi đất khách. Đối với tôi, bài học về lòng yêu nước chưa bao giờ lại sâu sắc mà giản dị đến thế. Đúng là quê hương là nơi chân ta có thể rời đi, nhưng tim ta vẫn mãi ở đó.
Cách làng Sen quê Bác hàng chục nghìn km, nơi lá vàng ngập lối vào mùa Thu và mùa Đông lạnh giá tới -40 độ C, tôi đã thấy tấm ảnh Bác trang trọng đặt trên bàn thờ của một gia đình Việt kiều. Đã từng chiêm bái rất nhiều bức chân dung và tượng của Người trên bàn thờ ở các ngôi chùa u tịch trải dài khắp miền đất nước hình chữ S và đặc biệt là ở các buôn sóc làng bản Tây Nguyên, hay vùng đất "chín rồng" màu mỡ phù sa, nhưng tôi vẫn rưng rưng trước tấm ảnh Bác được lồng khung đơn giản đó. Hơn 40 năm nay, tại nhà ông Nguyễn Hữu Thanh, bàn thờ Bác Hồ, bên cạnh là ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, luôn ấm áp hương nhang những ngày lễ, Tết. Tâm tưởng về Bác, niềm yêu kính Người đã luôn đồng hành cùng nhiều bà con Việt kiều trong công cuộc mưu sinh nơi xứ người.
Là phóng viên đi nhiều, tiếp xúc nhiều, giữa muôn khuôn mặt, chị đã để lại ấn tượng thật đặc biệt đối với tôi. Chị người gốc Huế, chưa từng là đảng viên. Với tôi, chị là một chiến binh trong thời bình, một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Chị - Giáo sư Nguyễn Đài Trang, Chủ tịch Hội Canada - ASEAN Initiatives, Đại học York - đã dành hơn 1/4 thế kỷ dày công nghiên cứu, sưu tầm, viết sách về Bác – người mà chị nguyện suốt đời học tập noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời.
Chị từng tâm sự: “Tôi lớn lên khi đất nước mới trải qua chiến tranh và còn nghèo khó, sống ở nước ngoài nên tôi càng hiểu hơn về tầm quan trọng của việc thông tin cho bạn bè quốc tế hiểu về Bác, về Việt Nam. Tôi cảm thấy việc giới thiệu sách về Bác đến độc giả nước ngoài, dù có khó đến đâu, là trách nhiệm của một nhà nghiên cứu, của một người Việt, để góp phần đem hình ảnh dân tộc ra thế giới, góp phần làm rạng danh Việt Nam”.
Tôi ngạc nhiên đến choáng ngợp trước sức lao động bền bỉ và khả năng sáng tạo của Giáo sư Nguyễn Đài Trang - người cũng là "tác giả" của bảo tàng online về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Canada. Chị bày tỏ: “Tôi cảm thấy việc sử dụng Internet để phổ biến cuộc đời, sự nghiệp cũng như tư tưởng và khía cạnh giáo dục, nghệ thuật và văn hóa của Bác là điều cần thiết”.
Những tấm lòng yêu nước, thương nòi mà tôi đã gặp, là tiêu biểu nhưng không đơn lẻ ở “xứ sở lá phong”, nơi cộng đồng khoảng 250.000 người Việt cùng sẻ chia một cội nguồn lịch sử, cùng kế thừa một di sản văn hóa tinh thần. Lúc sinh thời, Bác từng căn dặn: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi được cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến".
Chưa bao giờ tôi lại thấm thía lời dặn của Bác như lúc này, khi những người cầm bút chúng tôi đang hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống của ngành - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.