Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã nảy sinh nhiều loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao, đe dọa sự bình yên của mỗi gia đình và cộng đồng. Tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em như xâm hại tình dục, mua bán người, lừa đảo qua mạng internet, bạo lực gia đình... ngày càng tinh vi, khiến cho xã hội, trong đó có phụ nữ đặc biệt lo lắng. Tình trạng phụ nữ bị lôi kéo tham gia các vụ gây mất trật tự an toàn xã hội, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Qua 3 năm triển khai (giai đoạn 2017- 2020), Nghị quyết liên tịch 01 của hai ngành Công an- Hội phụ nữ đã có nhiều đổi mới về công tác chỉ đạo, nội dung, hình thức triển khai. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của các đối tượng nguy cơ cao, góp phần hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội trong cộng đồng. Cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an và Phụ nữ các cấp đã sát cánh, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công cuộc phòng, chống tội phạm; cảm hóa những người lầm lỡ, để gia đình thực sự là mái ấm bình yên, là bến đỗ, chốn đi về của mỗi người.
Theo báo cáo, từ năm 2018 - 2020, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, xử lý hơn 5.200 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình; giải quyết hơn 5.000 tin (đạt tỷ lệ 95,91%), trong đó nhiều tin báo, tố giác tội phạm do cán bộ hội viên, phụ nữ cung cấp; tiến hành điều tra, khởi tố hơn 4 nghìn vụ việc xâm hại trẻ em; 45 vụ liên quan đến bạo lực gia đình và 283 vụ việc phạm tội mua bán người.
Trước những vấn đề gây bức xúc dư luận như xâm hại tình dục trẻ em, lừa đảo phụ nữ, vấn đề phụ nữ tham gia đánh bạc, môi giới mại dâm… đã được lực lượng Công an phối hợp với phụ nữ kịp thời nắm bắt, điều chỉnh hướng tuyên truyền phù hợp để nâng cao ý thức phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, vi phạm pháp luật. Hai ngành đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ký kết, triển khai chương trình công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022. Từ đó, phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm các quyền hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
Trung tá Trần Thị Thanh Giang (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết: Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với ngành giáo dục, các cấp hội phụ nữ trên toàn quốc tổ chức các Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực và bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em cho cộng đồng tại gần 30 tỉnh, thành, chủ yếu tập trung tại các trường học dành cho trẻ em gái lứa tuổi phổ thông trung học.
Một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật là “đói nghèo”. Các cấp Hội Phụ nữ và Công an đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giúp phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm xung đột trong gia đình, tránh nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội, trở thành nạn nhân bị mua bán.... Từ đó, chủ động phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm, các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, hạn chế thấp nhất xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai Nghị quyết liên tịch thời gian qua. Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, hai ngành cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả tại cơ sở, dựa vào cộng đồng, phát huy tinh thần làm chủ của hội viên, phụ nữ để sớm phát hiện, phản ánh và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, không để tạo thành điểm nóng.
Thời gian tới, bên cạnh các hoạt động phối hợp với ngành Công an triển khai tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Hội phụ nữ các cấp cần tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả tại cơ sở.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả thực sự của các mô hình phụ nữ tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; từ đó, nhân rộng việc thực hiện các mô hình hiệu quả cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương, chú trọng các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, vùng có nhiều đối tượng nguy cơ phạm tội, nhiều phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị mua bán...