Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Duy Việt cho biết, mô hình tổ dân vận thôn đã được nhiều tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo thành lập. Đến nay, hoạt động của tổ dân vận thôn ở nhiều địa phương có kết quả rõ nét, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị ở thôn, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác dân vận ở cơ sở.
"Dân vận khéo" góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa |
* Vận động nhân dân xây dựng nông thôn mớiCác tổ dân vận thôn đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ. Tổ dân vận thôn vận động nhân dân đẩy mạnh chương trình khuyến học, khuyến tài, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình, thôn văn hóa, các hoạt động từ thiện, xây dựng các công trình phúc lợi ở khu dân cư, cải thiện môi trường.
Các tổ dân vận thôn đã hướng dẫn và tổ chức sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo đối tượng, sở thích, ngành nghề; tăng cường hợp tác, giúp đỡ nhau. Tổ dân vận đã phối hợp với các đoàn thể chỉ đạo, triển khai thực hiện các phong trào của đoàn thể trên địa bàn dân cư. Nhiều phong trào trước đây chỉ đóng khung trong một đoàn thể, nay được đông đảo nhân dân hưởng ứng, đã trở thành một nội dung thường xuyên của tổ dân vận và của nhân dân trên địa bàn dân cư.
Tại các địa phương, tổ dân vận thôn đã tích cực vận động nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tổ dân vận thôn đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và các lực lượng trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến xây dựng nông thôn mới. Tổ dân vận tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu tất cả mọi công việc của chương trình xây dựng nông thôn mới đều liên quan trực tiếp đến nhân dân, làm cho nhân dân, nhân dân được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình. Ở nhiều địa phương, tổ dân vận thôn đã tổ chức cho nhân dân tham gia tìm hiểu, bàn bạc và quyết định cụ thể và trực tiếp tham gia tổ chức thực hiện. Đồng thời, tổ dân vận lắng nghe ý kiến của nhân dân tham gia đóng góp để điều chỉnh các giải pháp thực hiện, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh nội dung của chương trình, dự án đầu tư cho phù hợp.
Việc tuyên truyền, vận động của tổ dân vận thôn đã góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức, người dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới. Qua quá trình triển khai, nhân dân đã tham gia vào các việc cụ thể như: xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; mô hình tham gia hiến đất, góp công, góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng làng đẹp - ngõ sạch - nhà ngăn nắp; tham gia giữ gìn an ninh trật tự...
* Phát huy quyền làm chủ của nhân dânHoạt động của các tổ dân vận thôn đã góp phần tiếp tục mở rộng và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nông thôn. Nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung và ban hành, quyền tham gia góp ý của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách liên quan đến nhân dân; quyền tham gia góp ý với cán bộ, đảng viên tiếp tục được hoàn thiện. Quyền bàn bạc và quyết định những vấn đề liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn của nhân dân được thực hiện công khai, minh bạch hơn.
Việc thực thi phương châm: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra đã đi vào nền nếp. Tổ dân vận thôn đã phát huy vai trò, thường xuyên sâu sát, gần gũi với nhân dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tổ dân vận thôn phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với nhân dân trước khi quyết định các chủ trương lớn của địa phương. Việc tổ dân vận thôn phối hợp với chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các lực lượng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo thành động lực góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị, củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
* Tạo sức lan tỏa trong địa bàn dân cư Hiện nay, 51/63 tỉnh, thành phố đã thành lập tổ dân vận. Tại nhiều địa phương, tổ dân vận thôn đã hoạt động có hiệu quả và nền nếp. Từ khi tổ dân vận thôn thành lập và đi vào hoạt động, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, đặc biệt là của Bí thư chi bộ thôn về công tác dân vận sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn hơn. Công tác dân vận ở thôn đã được tập trung chỉ đạo. Không ít vụ, việc nổi cộm thông qua hoạt động của tổ dân vận đã được giải quyết thấu đáo, có lý, có tình được nhân dân đồng thuận cao. Kết quả này khẳng định tổ dân vận thôn đã có sức lan tỏa và thể hiện rõ vai trò, hiệu quả hoạt động ở địa bàn dân cư.
Thời gian tới, Ban Dân vận các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, tăng cường công tác hướng dẫn về nội dung, phương pháp và sự phối hợp hoạt động của tổ dân vận thôn gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về công tác dân vận trong tình hình mới, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Các địa phương gắn việc nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của tổ dân vận thôn với việc vận động nhân dân tập trung thảo luận, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tháo gỡ những bức xúc của người dân, tập trung giải quyết việc làm, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân. Mở rộng và phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm của nhân dân, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới, giữ vững an ninh nông thôn, tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức ở cơ sở, tiếp tục kiện toàn tổ dân vận thôn; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về thực hành công tác dân vận cho tổ dân vận, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Các cấp ủy, Ban Dân vận các cấp tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về tổ chức và hoạt động của tổ dân vận thôn phù hợp với đặc điểm, tình hình, văn hóa, phong tục, tập quán và địa bàn thôn.
Ban Dân vận các cấp tiếp tục nghiên cứu, kiểm tra, khảo sát, tổng kết thực tiễn về tổ chức và hoạt động của tổ dân vận, sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn về công tác dân vận. Phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức ở thôn. Các lực lượng trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ với tổ dân vận thôn góp phần tham mưu cho chi ủy và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn, giữ vững ổn định, an ninh trật tự, tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở.
Hương Thủy