Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn các bà mẹ tiếp tục cho con đi tiêm chủng, đồng thời khẳng định Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để giảm tải và nâng cao chất lượng các bệnh viện. Đó là nội dung của chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV1- Đài THVN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác, tối 27/10.
Xây dựng hành lang pháp lý cao hơn trong tiêm chủng
Thay mặt lãnh đạo ngành y tế và với tư cách cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời chia buồn và sự cảm thông sâu sắc đối với gia đình 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị. Bộ trưởng khẳng định, do tính chất nghiêm trọng của vụ việc và để có những kết luận khách quan, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an tiến hành điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng.
Về việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật quản lý Nhà nước trong tiêm chủng, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu để ban hành Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, trong đó Điều 30 đã qui định rất rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế, UBND, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế, nhà sản xuất vắcxin và của những người thực hiện tham gia tiêm chủng. "Quyết định 23 của Bộ Y tế ban hành năm 2008 cũng đã quy định rất chặt chẽ về quy trình kỹ thuật trong quá trình tiêm chủng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sau khi xảy ra vụ việc tại Quảng Trị, Bộ Y tế đã tổ chức thanh tra toàn bộ tất cả các điểm tiêm chủng, điểm nào đạt tiêu chuẩn mới cho tiến hành tiêm chủng. "Hiện nay, Bộ đang xây dựng Nghị định về tiêm chủng để có hành lang pháp lý cao hơn và chi tiết hơn trong vấn đề thực hành tiêm chủng”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng mong rằng, các bà mẹ hãy tiếp tục mang con đến tiêm chủng, vì tương lai của chính con cái mình.
Tăng chất lượng khám chữa bệnh
Cũng theo Bộ trưởng, giá dịch vụ y tế hiện nay mới chỉ được tính trên 3/7 yếu tố cấu thành giá. Và trong 3 yếu tố đó, thì cũng mới chỉ tính từ 60 - 90% của mỗi yếu tố. Cho nên thời gian tới, nếu ngành y tế có điều chỉnh giá dịch vụ, thì cũng không thể tăng ngay được cơ sở vật chất của bệnh viện, đồng nghĩa với việc không thể giảm tải ngay cho các bệnh viện được. "Nhưng việc điều chỉnh đó giúp cho người dân tham gia BHYT không phải trả thêm tiền túi như tiền khám bệnh, tiền giường bệnh và một số chi phí về thuốc, vật liệu tiêu hao. Như vậy cũng là làm tăng chất lượng khám chữa bệnh", Bộ trưởng khẳng định.
"Việc phân biệt đối xử giữa người khám bệnh bằng BHYT với khám dịch vụ là không chấp nhận được. Bởi chữa bệnh bằng hình thức nào thì cũng là bệnh nhân và đều phải khám và chữa bệnh cho kết quả cao nhất". Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến |
“Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện trích 15% của các phần thu điều chỉnh giá dịch vụ này để cải tạo các khoa khám chữa bệnh như: Tăng thêm bàn khám, dùng công nghệ thông tin để giảm các thủ tục và cải cách hành chính để giảm tối đa thời gian chờ đợi", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, muốn giảm tải cho các bệnh viện, thì phải tăng số giường bệnh cho bệnh viện và mở thêm bệnh viện mới. Trong thời gian qua, Chính phủ đã hỗ trợ xây mới các bệnh viện tuyến huyện và tăng thêm giường bệnh cho các bệnh viện tuyến tỉnh ở vùng khó khăn. Ở tuyến trung ương, Bộ Y tế cũng đầu tư thêm bệnh viện K Tân Triều cơ sở 3 (Hà Nội), Bệnh viện Nội tiết cơ sở mới (Hà Nội), xây thêm tòa nhà ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh)…
Chính phủ cũng đã đầu tư khoảng 20.000 tỷ để xây mới cơ sở II của các bệnh viện ở tuyến cuối, gồm bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viện Nhi đồng I và bệnh viên Ung bướu (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, việc triển khai xây mới này cũng phải mất ít nhất 3 năm và đó là giải pháp lâu dài.
"Còn giải pháp trước mắt để giảm tải ngay là tiến hành xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa quá tải gồm chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Bệnh viện vệ tinh chính là các bệnh viện tuyến tỉnh. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên chuyển giao các kỹ thuật cao cho tuyến dưới và khi đó tuyến tỉnh sẽ tự triển khai được những kỹ thuật cao mà không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đồng thời, tăng cường thí điểm mạng lưới bác sỹ gia đình để chăm sóc những bệnh đơn giản, thông thường, mà không cần phải đến bệnh viện", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Y tế sẽ trình Ban cán sự Đảng, Chính phủ và Bộ Chính trị “Đề án về y tế cơ sở", nhằm tăng cường năng lực của mạng lưới y tế cơ sở.
Trọng Thủy