Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hà Văn Phúc, Sở đã hướng dẫn việc thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Trung tâm Y tế huyện, thành phố và các phòng khám đa khoa tư nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị, tổ COVID-19 cộng đồng trên địa bàn tỉnh thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm nhanh kháng nguyên, để kịp thời triển khai trong trường hợp cần thiết.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang Cao Thành Nam cho biết, những ngày qua, có khoảng 500 người đến Trung tâm để xét nghiệm, trong đó phần đông là các tài xế lái xe tải chở, nhận hàng từ Kiên Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh. Giá dịch vụ xét nghiệm thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Kiên Giang.
Cũng theo ông Cao Thành Nam, do hiện nay tất cả 15 huyện, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát COVID-19 nên lượng người đến lấy mẫu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không nhiều, đảm bảo việc phòng, chống dịch. Trong trường hợp lấy mẫu xét nghiệm đồng thời cho nhiều người, trước khi tổ chức xét nghiệm, Trung tâm sẽ thông báo về khung thời gian và địa điểm xét nghiệm, để tránh tập trung đông người, thực hiện các bước lấy mẫu, xét nghiệm với nguyên tắc một chiều theo thứ tự các bước: chờ lấy mẫu - lấy mẫu - chờ kết quả xét nghiệm - đọc và ghi nhận kết quả xét nghiệm.
Những người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính được bố trí vào một khu vực riêng, ghi nhận thông tin tối thiểu (gồm họ và tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc) và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021 của Bộ Y tế. Những người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên loại trừ nhiễm SARS-CoV-2, sẽ được hướng dẫn tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch chủ động.
Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa điểm lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên bố trí khoảng cách phù hợp giữa các khu vực, vị trí của người đến xét nghiệm, có đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang; hướng dẫn người đến xét nghiệm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, hạn chế tối đa trò chuyện, tiếp xúc.
* Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo, chiều 8/7, địa phương ghi nhận thêm 29 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn tỉnh lên 326 ca tại 67 ổ dịch ở 9/11 huyện, thành, thị xã. Ngành chức năng đã truy vết và đưa đi cách ly tập trung 2.344 trường hợp, cách ly tại nhà trên 18.000 trường hợp.
Trước tình hình trên, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, chủ động phát hiện, khoanh vùng, dập dịch. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai 11 chốt kiểm tra ở các cửa ngõ ra vào tỉnh. Từ 0 giờ ngày 7/7, người từ các địa phương đến địa bàn Tiền Giang hoặc người Tiền Giang đi các địa phương khác về tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Mỗi huyện, thành, thị thành lập thêm ít nhất 10 đội điều tra, truy vết phòng, chống dịch. Mỗi đội có ít nhất 3 thành viên gồm nhân viên Y tế, Công an và lực lượng khác do địa phương bố trí…
Chốt kiểm soát dịch bệnh Quốc lộ 1 thuộc địa bàn xã Tân Hương, huyện Châu Thành giáp ranh với tỉnh Long An là một trong 11 chốt được thành lập trong thời gian qua, có nhiệm vụ kiểm soát cửa ngõ vào Tiền Giang trên tuyến Quốc lộ 1. Ông Phạm Văn Đính, Đội phó Đội Hành chính tổng hợp Thanh tra giao thông vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang trực tại chốt cho biết, nhìn chung người dân tuân thủ tốt quy định về kiểm soát người ra vào Tiền Giang. Lực lượng trực tại chốt cũng khẩn trương làm việc, tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông, hạn chế ùn tắc, kiên trì giải thích để mọi người hiểu về trách nhiệm và quyền lợi khi tuân thủ những quy định để đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19; hướng dẫn mọi người khai báo y tế, làm các thủ tục cần thiết một cách tận tình, chu đáo.
Trong chiều 8/7, do người và phương tiện từ Thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây tăng nhanh nên có ùn tắc cục bộ một thời gian ngắn. Lực lượng trực chốt rất vất vả để giải quyết nhanh về thủ tục, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, khắc phục ùn tắc giao thông. Ông Phạm Văn Đính cho biết, mặc dù làm việc căng thẳng, áp lực và còn nhiều thiếu thốn nhưng trên tinh thần chia sẻ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng trực chốt quyết tâm thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
* Từ 0 giờ ngày 10/7, người dân từ các tỉnh, thành phố về tỉnh Trà Vinh qua 3 chốt kiểm tra y tế của tỉnh gồm: Chốt phà Đại Ngãi (thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, Quốc lộ 60), chốt cầu Mây Tức (thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, Quốc 53), chốt cầu Trà Mẹt (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, Quốc lộ 54) phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time - PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 5 ngày, xét nghiệm phải được thực hiện tại phòng xét nghiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền. Trường hợp không có kết quả xét nghiệm âm tính như trên thì không được vào địa bàn tỉnh Trà Vinh (kể cả người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đi ra ngoài tỉnh và trở về trong ngày).
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đối với Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố mới đây, về kiểm soát chặt chẽ người từ các tỉnh, thành phố trở về Trà Vinh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh Kiên Sóc Kha cho biết, đến ngày 9/7, ngành y tế tỉnh đã triển khai dịch vụ xét nghiệm COVID- 19 bằng test nhanh có thu phí, tại 6 địa điểm trong tỉnh. Mức thu phí xét nghiệm là 2.000 đồng/mẫu test nhanh (áp dụng theo mức giá dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh).
Đến ngày 8/7, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 15 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đều liên quan đến các ổ dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương hoặc là các ca bệnh thứ phát sau đó.
* Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan, UBND tỉnh Ninh Thuận có thông báo cách ly y tế đối với người từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có dịch về tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 9/7.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ ngày 9/7, các trường hợp đến, về địa phương từ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện hình thức cách ly tập trung 21 ngày để phòng, chống dịch.
Theo đó, người dân về từ Thành phố Hồ Chí Minh có hộ khẩu thường trú tại địa phương nào thì UBND các huyện, thành phố đó có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, khám sàng lọc, phân loại và tổ chức chuyển về cách ly. Qua kiểm tra, theo dõi một thời gian, nếu thấy sức khỏe ổn định thì đưa về cách ly tại nhà 14 ngày. Đối với trường hợp F0, F1 phải đưa lên tỉnh cách ly tập trung tại cơ sở do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý.
Đối với các trường hợp đến, về từ tỉnh, thành phố khác, tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Công điện số 3131/CĐ-UBND ngày 26/6/2021 của UBND tỉnh. Trong ngày 9/7, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập nhiều đoàn đến tất cả các địa phương trong tỉnh để kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống dịch.
Ông Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã xây dựng kịch bản ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Theo đó, bước 1 tỉnh Ninh Thuận sẽ sử dụng cơ sở tại tỉnh, bước 2 sử dụng cơ sở của huyện và bước 3 là sử dụng cơ sở tại các xã (trường học, thôn bản) để thực hiện cách ly. Tỉnh cũng đã có phương án bố trí xét nghiệm tại các chốt, chuẩn bị đầy đủ cơ sở để tiếp nhận và cách ly khoảng 750 người từ Thành phố Hồ Chí Minh về.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng kêu gọi người dân của tỉnh đang học tập, lao động, công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch, nếu không có việc thật sự cần thiết cấp bách thì không trở về Ninh Thuận bằng mọi hình thức.
Trường hợp trở về tỉnh phải thực hiện xét nghiệm ngay tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19 và Trạm y tế địa phương; đồng thời phải khai báo y tế trực tiếp, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly y tế theo quy định, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Những trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tính đến ngày 8/7, tỉnh đã tiếp đón 245 người về từ các địa phương vùng xảy ra dịch; trong đó có 25 người về từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tỉnh đã triển khai 2 đợt tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 với hơn 22.000 liều, đang chuẩn bị để thực hiện tiêm phòng đợt 3.