Nhiều góp ý về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).


* Tán thành quy định về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

Thảo luận về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, các đại biểu tán thành dự thảo Bộ luật dân sự quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc thông qua người đại diện.

Đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An): Xuất phát từ thực tiễn giải quyết những tranh chấp từ năm 2005 đến nay cho thấy hộ gia đình, tổ chức hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia giao dịch dân sự của các chủ thể này còn rất nhiều vướng mắc khi xảy ra tranh chấp khó giải quyết. Do đó, nhất trí với nội dung dự thảo quy định phương án 1 là: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì mỗi thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự trực tiếp tham gia hoặc cử người đại diện tham gia quan hệ dân sự. Việc cử, thay đổi người đại diện phải được lập thành văn bản. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết. Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác cử làm đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện. 2. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai”.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) tán thành dự thảo Bộ luật dân sự quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc thông qua người đại diện. Thực tế cho thấy sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thường viên cụ thể, nhưng tham gia vào quan hệ dân sự của các chủ thể này còn rất nhiều vướng mắc khi có tranh chấp, cũng không thể quy trách nhiệm chung cho hộ gia đình, tổ hợp tác, mà đều phải thông qua chủ thể là cá nhân. Do đó, đại biểu nhất trí với quy định như phương án 1 là hợp lý.

* Không đồng tình với quy định Tòa án được quyền điều chỉnh hợp đồng

Cho ý kiến về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 419), đa số các đại biểu góp ý không đồng tình với quy định Tòa án được quyền điều chỉnh hợp đồng. Theo đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc), việc điều chỉnh hợp đồng phải do các bên giao kết hợp đồng thực hiện vì khi giao kết hợp đồng vẫn có quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận về việc ký kết với nhau phụ lục hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi. Do đó, quy định Tòa án điều chỉnh hợp đồng là không cần thiết và vi phạm nguyên tắc của pháp luật dân sự.

Đồng tình với quan điểm trên, một số ý kiến cho rằng: Việc quy định Tòa án điều chỉnh hợp đồng dẫn tới việc phá bỏ những ràng buộc giữa các bên giao kết, dễ tạo điều kiện cho sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khi một bên không muốn thực hiện những cam kết trong hợp đồng. Do vậy, khi hoàn cảnh cơ bản thay đổi nên để cho các bên tự thương thuyết, giải quyết điều chỉnh để có tính ràng buộc và trách nhiệm thực hiện hợp đồng dựa trên việc giữ gìn uy tín, tôn trọng cam kết, tránh bị lợi dụng.

* Quy định lãi suất chưa tính lâu dài

Góp ý về lãi suất, các đại biểu cơ bản tán thành với phương án 1 là: "Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".

Cơ bản nhất trí với phương án 1, đại biểu Phạm Văn Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Phương án 1 mới chỉ phù hợp vào thời điểm hiện nay, chứ chưa tính đến dài hạn và sự phù hợp với những biến động thị trường. Do đó, đề nghị lấy số tương đối 300% của lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định và trong trường hợp thời kỳ hiện nay là 6,5%.

Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) cho rằng, phương án 1 mới chỉ giải quyết được bài toán vay bằng tiền; chứ khi vay bằng vật, giấy tờ có giá... thì chưa giải quyết được. Đại biểu đề nghị dự thảo cần làm rõ việc trả lãi suất đối với không phải bằng tiền.

Theo chương trình, ngày 26/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Nguyễn Cường (TTXVN)
Đại biểu quốc hội nói về bảo vệ quyền dân sự và chuyển đổi giới tính
Đại biểu quốc hội nói về bảo vệ quyền dân sự và chuyển đổi giới tính

Các đại biểu quốc hội đã chia sẻ quan điểm về bảo vệ quyền dân sự và chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 24/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN