Đại biểu quốc hội nói về bảo vệ quyền dân sự và chuyển đổi giới tính

Các đại biểu quốc hội đã chia sẻ quan điểm về bảo vệ quyền dân sự và chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 24/10.


Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre), Lương Văn Thành (Hải Phòng), Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã chia sẻ quan điểm về bảo vệ quyền dân sự và chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 24/10.

Bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Trao đổi vấn đề bảo vệ quyền dân sự, các ý kiến đều cơ bản đồng tình việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Trịnh Thị Thanh Bình. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Hoàn toàn nhất trí quy định như trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) về quyền con người, quyền công dân khi có tranh chấp xảy ra mà chưa có quy định của pháp luật thì tòa án không được quyền từ chối thụ lý, giải quyết, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình phân tích việc này, mở ra cho tòa án nhiều quyền hơn nhưng phù hợp với Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Đó là tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy vậy, vấn đề này cần có sự kết hợp trong tố tụng dân sự. Đó là căn cứ vào phong tục, tập quán cũng như Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định phát triển án lệ của tòa án nhân dân tối cao, nguyên tắc tương tự và lẽ công bằng để ra phán quyết bảo vệ cái đúng.

Là người làm công tác pháp luật lâu năm, đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần có sự phân định giữ vụ án dân sự với việc dân sự. Vụ án dân sự nghĩa là có tranh chấp xảy ra; còn việc dân sự thì tòa án chỉ ghi nhận một sự kiện pháp lý. Do đó, trong trường hợp người dân yêu cầu khởi kiện, pháp luật nên quy định tập trung ở quan hệ có tranh chấp. Nghĩa là có một vụ án dân sự, chứ nếu quy định việc dân sự khi chưa có quy định của pháp luật, tòa án rất khó lấy căn cứ để công nhận một sự kiện đấy hợp lệ hay không hợp lệ. Theo đó, cần tập trung vào vụ án dân sự là phù hợp - đại biểu nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Lương Văn Thành cho rằng: Bảo vệ quyền dân sự là việc thể chế Hiến pháp trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật dân sự là cần thiết. “Ở những nước có nền pháp lý phát triển và hệ thống pháp luật tốt cũng không thể nào quy định một cách đầy đủ mọi hoạt động của đời sống thành luật. Do vậy, Bộ luật dân sự (sửa đổi) lần này quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng là phù hợp với thông lệ pháp luật quốc tế; đồng thời đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp có hiệu quả”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lương Văn Thành. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Cơ bản đồng tình, nhưng đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị: Khi nhận yêu cầu của người dân, trên cơ sở áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng, tòa án cần đề xuất và chuyển lên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết và trở thành quy định chung về việc xử lý vụ việc như vậy. Từ đó, các tòa án khi có vụ việc tương tự sẽ căn cứ vào chuẩn mực đó để vận dụng giải quyết. Như vậy, vừa phù hợp, vừa tránh được tình trạng mỗi tòa án nhận thức và giải quyết một cách khác nhau.

Nên công nhận việc chuyển đổi giới tính

Chia sẻ về chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình phân tích: Dự thảo Bộ luật lần này đã tách việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính thành 2 Điều 36 và 37. Trong đó, chuyển đổi giới tính là điều mới đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính rõ ràng. Cụ thể, người chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thực hiện các quyền về y tế, bảo hiểm, hôn nhân gia đình. Nghĩa là những quyền liên quan đến dân sự của công dân khi chuyển đổi giới tính đã được dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) ghi nhận chính thức. Điều này khi thực hiện Luật hôn nhân và gia đình và tổ chức các pháp luật liên quan như: hộ tịch, chăm sóc sức khỏe… đã có cơ sở pháp lý. Nếu vấn đề này được Quốc hội ủng hộ, thông qua, đây sẽ là một bước phát triển pháp luật dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Cũng theo đại biểu, trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, đây là một căn cứ pháp lý có thể tháo gỡ cho những trường hợp đã chuyển đổi giới tính trước khi có quy định của luật. Bởi hiện nay, chưa có quy định nên việc đảm bảo quyền đăng ký hộ tịch của công dân đã chuyển đổi giới tính rất lúng túng. Do đó, đứng ở góc độ hộ tịch, dự thảo Bộ luật quy định như vậy là rất rõ ràng. Riêng lĩnh vực y tế, khi điều này được tổ chức thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền cần có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe cho công dân; đồng thời giải quyết được những vấn đề phát sinh của vấn đề nhạy cảm này.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương, đây là một vấn đề xã hội phát sinh và thực tế thì trách nhiệm pháp luật phải xử lý, chứ không nên tránh. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu và có giải pháp xử lý phù hợp.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Thảo luận nội dung còn vướng mắc của dự thảo Bộ luật dân sự
Thảo luận nội dung còn vướng mắc của dự thảo Bộ luật dân sự

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN