Bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với các đại biểu về các thử thách và áp lực mà các trưởng ngành phải đối diện trong nhiệm kỳ mới.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Nhiều thử thách dành cho Bộ trưởng trẻ nhất nhiệm kỳ
"Tuổi trẻ tài cao" là đánh giá của tôi dành cho "Tư lệnh" ngành xây dựng. Đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - thành viên Chính phủ trẻ nhất nhiệm kỳ này. Với kiến thức được đào tạo bài bản, kinh nghiệm đã trải qua từ thực tiễn quản lý tại cơ sở đào tạo chuyên ngành, Bộ Xây dựng và tỉnh Kiên Giang, tôi cho rằng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ có điều kiện phát huy, đóng góp để đưa ngành xây dựng phát triển trong thời gian tới.
Đặc biệt, tôi kỳ vọng Bộ trưởng trẻ nhất nhiệm kỳ này sẽ khắc phục được những vấn đề tồn tại, thách thức đặt ra cho ngành xây dựng suốt thời gian qua. Cụ thể là các vấn đề về tổ chức quy hoạch, thực hiện quy hoạch, giải quyết hệ quả từ việc phát triển "nóng" đô thị, quản lý xây dựng... Tôi tin tưởng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đủ năng lực giải quyết rốt ráo những vấn đề này trong nhiệm kỳ mới.
Vấn đề phát triển nhà ở cho người dân là mong muốn của cử tri và cả xã hội. Mặc dù thời gian qua, nhiều chính sách nhà ở cho người dân đã được triển khai thực hiện, cải thiện chỗ ở nhưng so với yêu cầu và nguyện vọng thì vẫn còn khoảng cách lớn.
Đặt trong bối cảnh điều kiện chung, nền kinh tế mới bắt đầu đi vào giai đoạn tăng tốc để phát triển, thu nhập trên đầu người vẫn ở mức trung bình... thì việc lo chỗ ở cho người dân như hiện nay đã là nỗ lực và quyết tâm lớn của cả bộ máy chính trị. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của đời sống và mong muốn của người dân, việc phát triển nhà ở tiếp tục là nhu cầu cần được đáp ứng, quan tâm giải quyết thoả đáng.
Với cơ chế chính sách đang có hiện nay, phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp sẽ dần được giải quyết nhưng hoàn toàn không phải là điều dễ dàng, thuận lợi cho "Tư lệnh" ngành xây dựng khi thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên - Huế): Kỳ vọng vào người giữ “tay hòm, chìa khóa” của quốc gia
Trong số các thành viên Chính phủ, tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò của Bộ Tài chính - “tay hòm, chìa khóa” của quốc gia.
Tôi kỳ vọng nhiều vào tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Bộ trưởng mới đã có kinh nghiệm về tài chính ở địa phương, đã qua các cương vị từ chủ tịch cấp huyện thị, rồi lên phó chủ tịch, bí thư tỉnh trước khi đảm nhận vai trò Tổng kiểm toán Nhà nước...
Trải qua kinh nghiệm 5 năm làm Tổng kiểm toán Nhà nước - cơ quan kiểm soát về mặt tài chính, con số, liên quan mật thiết đến lĩnh vực tài chính nên Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ có nhiều thuận lợi, đảm nhiệm tốt công việc. Đặc biệt, trên các cương vị công tác đã qua, ông Hồ Đức Phớc luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính.
Do đó, tôi kỳ vọng Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ bắt nhịp và làm tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới. Tôi mong Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ tạo được kết nối hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay với vai trò là cơ quan tham mưu về tiền tệ, quản lý tiền tệ, giúp việc cho chính phủ về lĩnh vực tài chính; giúp các địa phương lên kế hoạch về phân bổ vốn, nguồn lực...
Trong bộ máy Chính phủ, bộ ngành nào cũng quan trọng nhưng ngành tài chính là một trong những mũi "chủ lực" nên tôi kỳ vọng, người đứng đầu phát huy được khả năng lãnh đạo, dẫn dắt. Có ý kiến cho rằng, khi được phân công, Bộ trưởng bộ nào cũng sẽ làm được nhưng để điều hành theo hướng lãnh đạo tập thể và phân công, cá nhân phụ trách thì vẫn cần chú trọng hiệu quả.
Bên cạnh đó, tôi cũng ấn tượng với "Tư lệnh" ngành trẻ nhất nhiệm kỳ này là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng; trong đó, có phát triển đô thị, kiến trúc, tạo chuyển biến về bộ mặt cũng như hạ tầng. Đặc biệt, lĩnh vực này sẽ liên quan "đụng chạm" đến nhiều ngành như: giao thông, nông nghiệp... và có đặc thù riêng quản lý về quy hoạch xây dựng, kiến trúc của cả nước, nhất là các đô thị lớn.
Tân Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được đào tạo bài bản theo đúng chuyên ngành và có kinh nghiệm quản lý, nhất là thực tiễn tại địa phương với chức danh Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Kiên Giang.
Đây là những tiền đề tốt để tôi đặt niềm tin vào Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ đủ bản lĩnh, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; có tinh thần cầu thị và vận dụng tốt thực tiễn; đảm nhận vị trí được Đảng, Nhà nước và Quốc hội tin tưởng giao phó.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp): Tham mưu các quyết sách cho Chính phủ trong lĩnh vực tài chính
Bộ Tài chính là lĩnh vực rất quan trọng, là mạch nối quản lý, nguồn tài chính của đất nước. Vì vậy, tôi kỳ vọng tân Bộ trưởng sẽ thực hiện được nhiệm vụ cốt lõi của ngành tài chính.
Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đảm nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, tôi cho rằng việc sắp xếp, bố trí nhân sự của Đảng, Chính phủ thể hiện sự tín nhiệm với đồng chí rất cao.
Với phẩm chất và đạo đức, tính tiên phong, đi đầu, tân Bộ trưởng sẽ đảm đương tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được phân công. Tôi trông đợi Bộ trưởng sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ các quyết sách phân bổ ngân sách Trung ương, địa phương hàng năm, tích luỹ ngân sách ngày một tốt hơn.
Theo đó, Bộ Tài chính cũng sớm có xem xét, cân nhắc với vấn đề nâng lương tối thiểu thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ có điều chỉnh trên nền dịch bệnh đã ổn định, từng bước phục hồi nền kinh tế. Khi ngân sách ổn định, tích luỹ nhiều thì trích nguồn đó tăng lương thì rất tốt và phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội): Đưa nông nghiệp trở thành thế mạnh - thách thức đối với tư lệnh ngành
Thời điểm này, để nói Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới có điều hành tốt hay không là quá sớm nhưng có thể thấy, tính hợp lý trong cơ cấu Chính phủ mới.
Hôm nay, việc Quốc hội thông qua danh sách các bộ trưởng và trưởng ngành với bề dày năng lực và kinh nghiệm. Nhiệm kỳ này, hầu hết đều là các bộ trưởng trẻ và đây là điểm sáng trong đổi mới tư duy lãnh đạo và quản lý.
Đối với ngành nông nghiệp - một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tôi cũng đặc biệt đặt kỳ vọng vào Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Nhiệm kỳ qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm tốt trong việc phát triển toàn diện, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Đồng thời, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước
Đây cũng vừa là áp lực vừa là động lực đối với tân Bộ trưởng làm thế nào để tiếp tục đưa nông nghiệp trở thành thế mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và trên thế giới.
Thời gian tới, theo tôi, ngành nông nghiệp không chỉ tập trung trồng cây gì, nuôi con gì hay kết hợp nuôi trồng mà phải đẩy mạnh xuất khẩu; kết nối được người sản xuất với khâu trung gian như chế biến, tiêu thụ và thị trường thế giới…, tránh tình phụ thuộc vào một thị trường.
Đồng thời, tìm cách gỡ bỏ những rào cản về kỹ thuật, môi trường và xã hội để tiếp nhận những cơ hội lớn khi Việt Nam đã chính thức gia nhập, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, vùng, khu vực.
Cùng với đó, tập trung khai thác dư địa trong phát triển lâm nghiệp, thuỷ sản… để đưa ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.
Đại biểu Y Khút Niê (Đoàn Đắc Lắk): Trông đợi sự hợp tác giữa các trưởng ngành
Ông Lê Minh Hoan được phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước đó, ông Lê Minh Hoan đã từng giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng việc kế thừa và phát huy các kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, theo tôi, "Tư lệnh" ngành nông nghiệp cần có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm đưa chính sách vào cuộc sống.
Theo đó, để thực sự thúc đẩy ngành kinh tế này, tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với tân Bộ trưởng Bộ Công Thương khuyến khích tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong công nghiệp và chế biến. Nếu không có công nghiệp chế biến thì sản phẩm của bà con rất khó khăn trong tiêu thụ, không thúc đẩy được đầu ra sản phẩm.
Hay như trong bối cảnh nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, hạn hán, bão lũ…, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm sao giải quyết kịp thời vấn đề dự báo biến đổi khí hậu, có đầu tư bền vững.
Thực tế tại Tây Nguyên, hệ thống thủy lợi hiện rất cấp bách, đặc biệt trong 6 tháng mùa khô nếu không có hệ thống này thì ngành nông nghiệp rất khó khăn. Thời gian vừa rồi, Chính phủ và các bộ, ngành đã có đầu tư cho địa phương trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Tôi cho rằng, hoạt động này cần tiếp tục trong thời gian tới.