Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cho biết sẽ đưa ra chất vấn đến cùng nhiều vấn đề đang được cử tri và dư luận quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Các đại biểu chất vấn theo yêu cầu của cử tri, không được coi lĩnh vực nào là "nhạy cảm"
Những lĩnh vực mà Quốc hội đưa ra chất vấn lần này là những lĩnh vực vừa qua đã xảy ra những bất cập, cử tri rất quan tâm đến những giải pháp khắc phục. Các đại biểu sẽ sáng suốt lựa chọn các vấn đề để chất vấn. Đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến để chất vấn các lĩnh vực theo yêu cầu của cử tri, vì vậy không được coi vấn đề là "nhạy cảm".
Khi xây dựng báo cáo trình Quốc hội, có những bộ thể hiện nội dung sơ sài không đi vào nội dung cử tri quan tâm, có những báo cáo chúng tôi thấy thỏa mãn nhưng có báo cáo thì chưa giải quyết được những thắc mắc. Kinh nghiệm cho thấy, nếu các bộ, ngành tự nhận ra được những bất cập của mình và từ đó đề ra được giải pháp thì đại biểu Quốc hội sẽ ít phải đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường. Còn cứ báo cáo theo kiểu chung chung thì sẽ càng nhiều câu hỏi chất vấn để tìm cho ra nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp như thế nào.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Tiếp tục theo đuổi chất vấn đến cùng vấn đề các dòng sông ô nhiễm và cải cách hành chính
Tôi đã từng chất vấn rất nhiều về sông Tô Lịch và các con sông ô nhiễm, kỳ họp này tôi lại tiếp tục đưa vấn đề này ra cho tới khi nào thực hiện được thì thôi. Không thể cứ trả lời đi, trả lời lại mà không giải quyết được vấn đề gì. Những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính cũng sẽ được chất vấn trong kỳ họp này. Các đại biểu Quốc hội cũng muốn góp phần hỗ trợ cho Chính phủ trong quá trình đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính. Khi xây dựng Luật hành chính công, việc kết nối liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã được nói rất lâu rồi nhưng đến bây giờ vẫn rất nhiều trường hợp bị ách tắc. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao Chính phủ vẫn nói rằng sẽ tiếp thu những ý kiến đề xuất để tiếp tục thực hiện tốt hơn nhưng cho đến giờ vẫn y nguyên? Đây cũng là vấn đề tôi vẫn đang theo đuổi và muốn chất vấn sát hơn nữa để mong các cơ quan phải có trách nhiệm hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến xử lý hành vi xâm hại trẻ em, vấn đề xử phạt cũng là một nội dung chất vấn trong kỳ này.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Chính sách về quỹ bảo trì chung cư chưa rõ ràng
Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai giai đoạn 2013 – 2018. Qua ý kiến kiến nghị của cử tri trong thời gian qua, có thể thấy Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có sự chỉ đạo trong phạm vi chức năng quyền hạn, cố gắng hoàn thiện thể chế để phục vụ tiến trình đô thị hóa của đất nước. Ở đây có vấn đề đặt ra trong triển khai các quy định của các luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai.
Tôi được biết Bộ Xây dựng đang tham mưu Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho các cấp cũng như trong việc phân định rõ trách nhiệm, liên quan đến trách nhiệm của từng cấp trong triển khai thi hành Luật, giúp cho tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đô thị hóa. Đây là một chủ trương đúng, tuy nhiên cũng phải thấy rằng hiện nay hệ thống pháp luật đồ sộ với nhiều quy định về các chuyên ngành, trong đó có liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Do đó, việc sửa đổi cần có sự đánh giá tác động một cách toàn diện, cụ thể theo đúng yêu cầu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phúc đáp được yêu cầu cử tri.
Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng tiến hành một phiên giải trình về quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư. Ủy ban Pháp luật đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cơ quan tổ chức. Vấn đề đặt ra là hiện nay liên quan đến quỹ bảo trì nhà chung cư có nhiều chính sách chưa rõ ràng, Bộ trưởng cần sát sao để căn cứ trên kiến nghị cử tri, phản ánh báo chí và kết quả phiên giải trình để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp.
Đại biểu Đinh Đăng Luận, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Bộ Xây dựng cần nhìn thẳng vào các vấn đề bất cập
Trong phiên chất vấn tới đây, Quốc hội đã gửi ý kiến chuẩn bị chất vấn bốn Bộ trưởng, trong đó có nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tôi cho rằng, đây là những vấn đề chung của cử tri cả nước quan tâm, nổi lên là các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, hoạt động đầu tư xây dựng, các loại hình sản phẩm bất động sản mới mà pháp luật hiện nay chưa quy định rõ ràng như căn hộ du lịch, văn phòng, lưu trú, biệt thự du lịch…, các vấn đề quy hoạch đô thị, di dời bộ ngành… Tôi cho rằng đây là những vấn đề rất lớn được cử tri cả nước quan tâm.
Tôi mong rằng, kỳ chất vấn này với các câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu, rất mong Bộ trưởng Bộ Xây dựng với năng lực, kinh nghiệm, khả năng của mình sẽ nêu ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Bộ trưởng cần nhìn thẳng vào vấn đề còn bất cập, hạn chế trong công tác quản lý của ngành xây dựng để có thể tham mưu Chính phủ, đề xuất với Quốc hội giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra.