Toàn cảnh đại hội. Ảnh: TTXVN |
Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Cần khẩn trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời có cơ chế quản lý hợp lý không để kinh tế tư nhân làm lũng đoạn thị trường.
Việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, khi tiến hành cổ phần hóa phải nhất quán chủ trương tổ chức đấu giá trên thị trường chứng khoán, không có trường hợp ngoại lệ, tránh tình trạng làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Đối với phát triển giáo dục, việc nâng cao mức đầu tư và hiệu quả đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng: Nhà nước cần có cơ chế tài chính hợp lý cho ngành giáo dục, tiến tới không thu tiền học phí và tiền xây dựng trường đối với bậc tiểu học và mầm non vì đây là bậc học phổ cập giáo dục của nước nhà.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, cần xem xét các ngành nghề đào tạo đại học, cao đẳng sát với nhu cầu xã hội, tránh tình trạng
sinh viên ra trường không có việc làm và quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi đối với sinh viên nghèo, sinh viên vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Cần có chính sách hợp lý đối với sinh viên du học ở nước ngoài để khắc phục tình trạng những năm gần đây số lượng sinh viên đi du học ngày càng nhiều nhưng nhu cầu công việc thực tế trong nước lại không đáp ứng được, gây lãng phí cho gia đình và xã hội; có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tham gia nghiên cứu, học tập ở nước ngoài về làm việc trong nước để tránh tình trạng "chảy máu chất xám".
Về huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, nhiều ý kiến bổ sung thêm các giải pháp: Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ; phát triển năng lực khoa học công nghệ cần có trọng tâm, trọng điểm và tập trung cho những ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn; có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hợp lý đội ngũ nghiên cứu khoa học và các sáng kiến của nhân dân, người lao động ứng dụng hiệu quả trong lao động sản xuất.
Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, bởi hiện nay nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận đã lâu nhưng chậm đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng; có biện pháp hữu hiệu để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế các hoạt động văn hóa mang tính thương mại, biến tướng hoặc không phù hợp với truyền thống người Việt.
Về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới, nhiều ý kiến đề nghị: Cần bổ sung các giải pháp cụ thể giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, vì trong giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội còn nhiều phức tạp, nhất là nạn trộm cắp, cướp giật, giết người, trong đó phần lớn là lứa tuổi thanh thiếu niên phạm tội. Các đại biểu đề nghị, kiên quyết không cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất ở những vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh.
Về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhiều ý kiến cho rằng: Việc xây dựng các Bộ luật phải cụ thể, chi tiết hơn, hạn chế việc ban hành nhiều văn bản dưới luật, dẫn đến nhận thức không đồng bộ, gây khó khăn cho người dân; đồng thời không nên thay đổi Luật nhiều lần sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng: Các vụ án tham nhũng xảy ra càng nghiêm trọng, tinh vi do đối tượng tham nhũng có chức, quyền, liên kết tạo thành nhóm lợi ích; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây thất thoát tài sản của Nhà nước… Trung ương cần có Nghị quyết chuyên đề về “Chống chủ nghĩa cá nhân”; có chiến lược đầu tư phát triển tài năng trẻ, nguồn lao động trẻ có chất lượng, xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nước làm việc để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Các ý kiến cũng nhất trí cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người lao động; quan tâm đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội phục vụ đối tượng thu nhập thấp. Trung ương cần thay đổi chính sách ưu đãi hỗ trợ người nghèo, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng “phấn đấu” được vào danh sách hộ nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước.