Ngày Dân số Việt Nam (26/12):

Nhìn lại 60 năm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình

Khởi đầu từ năm 1961, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã vượt qua chặng đường 60 năm đầy cam go, thử thách để đạt được những thành tựu đáng tự hào. Những thành công này đã và đang tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Cán bộ dân số tuyên truyền tư vấn, cung cấp dịch vụ y tế - kế hoạch hóa gia đình thuộc đề án "Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển - Đề án 52" giai đoạn 2009 - 2020 của Bộ Y tế cho người dân khu vực đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những nỗ lực của mình, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã đạt được những thành công gắn liền với những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước.

Giai đoạn 1961-1975 đánh dấu sự khởi đầu nhận thức về tác động của sự gia tăng dân số tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngay từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, mặc dù đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, vừa phải tiến hành song song hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, nhưng công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn được Đảng và Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Việc ban hành Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn đã đánh dấu sự ra đời của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. Quyết định này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á tiến hành công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kể từ đây người dân đã bắt đầu có ý thức hơn về vấn đề dân số và chấp nhận sinh đẻ có kế hoạch.

Trong giai đoạn 1976-1990, sau khi đất nước thống nhất, cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh trên phạm vi cả nước. Các kỳ Đại hội Đảng cũng luôn xác định công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển đất nước, cùng hàng loạt văn bản về chính sách dân số được ban hành.

Giai đoạn 1991-2000 là dấu mốc của sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình", mở ra một trang sử mới đối với công tác này. Từ đây, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện cả về nội dung, cách làm, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào công tác này; xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình. Mạng lưới cộng tác viên dân số và kế hoạch hóa gia đình tại thôn, bản được hình thành và phát triển với phương thức hoạt động "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai. Kết quả công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn này đã vượt các mục tiêu đề ra, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã cơ bản được kiềm chế. Ghi nhận những kết quả đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình. Ghi nhận những thành công và đóng góp của Việt Nam, Liên hợp quốc đã trao giải thưởng Dân số của Liên hợp quốc cho Việt Nam vào năm 1999.

Từ năm 2001-2016, nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước được ban hành, như: Nghị quyết 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Dân số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ, Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam 2011-2020. Dân số được xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển con người của đất nước. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (năm 2006) và duy trì vững chắc đến nay.

Từ năm 2017 đến nay, nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước mang tính bước ngoặt được ban hành, như: Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh đó, nhiều chương trình được phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện, như: Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030…

Nhiều thành tựu đáng tự hào

Theo các chuyên gia, thập niên đầu của thế kỷ XXI đã đánh dấu sự trưởng thành của ngành Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của nước ta. Chúng ta đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu về dân số mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X và Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đã đề ra.

Chú thích ảnh
Chất lượng dân số Việt Nam được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Trong ảnh: Nét ngây thơ và nụ cười trong sáng của những trẻ em vùng cao. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trong 60 năm qua, thành tựu công tác dân số nước ta đã thể hiện ở nhiều mặt. Trước hết, chúng ta khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỷ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ lệ chết ở người mẹ giảm mạnh, mức độ giảm đã vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên ,4% (2015).

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với khoảng 66 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là nền tảng và cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chú thích ảnh
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2020). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 1,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được thế giới ngưỡng mộ ở công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Do làm tốt công tác này nên tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng. Các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ có điều kiện tham gia học tập, tham luận, nghiên cứu khoa học và công tác xã hội… nên tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia vào cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp ngày càng tăng. GDP bình quân đầu người tăng lên cũng có đóng góp không nhỏ của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Đặc biệt, thành công của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã góp phần đạt và về đích trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4).

Công tác dân số trong tình hình mới

Có thể nói, trong 60 năm qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các kênh truyền thông, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Nhiều chương trình, đề án phục vụ công tác này được Chính phủ phê duyệt đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với công tác dân số và phát triển.

Đặc biệt, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong 4 năm qua để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21, ngành dân số cùng các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực, quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới.

Mặc dù khối lượng công việc cần thực hiện Nghị quyết 21 rất lớn, vẫn còn một số văn bản đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành, nhưng thông qua việc triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và văn bản đã ban hành, có thể nói Nghị quyết 21 đã từng bước đi vào cuộc sống. Ngành dân số đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số hiệu quả nhất, phù hợp từng vùng, từng đối tượng cụ thể, đặc biệt vùng sâu, vùng xa nơi có đông đồng bào dân tộc ít người.

Bên cạnh công tác thông tin truyền thông, ngành đã chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương có những bước chuyển biến rõ rệt.

Chú thích ảnh
Tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho thanh niên Quận Ba Đình, Hà Nội (2014). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngành dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển; các chương trình kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chương trình Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả. Đề án mở rộng sàng lọc trước sinh và sau sinh đang triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh…

Kế thừa và phát huy những thành công trong 60 năm qua, ngành dân số và kế hoạch hóa gia đình phấn đấu triển khai thành công Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt… Những điều này sẽ góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng", giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quyết định số 502/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN