Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội góp phần hình thành bản sắc ASEAN

Ngày 4/3, tại Hà Nội, Ban Nữ công - Công đoàn Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Nhóm không chính thức các Đại sứ về Bình đẳng giới và Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các nữ đại biểu tham gia giao lưu tại chương trình. Ảnh: TTXVN.

Buổi gặp mặt này có ý nghĩa đặc biệt, kỷ niệm những dấu mốc quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 10 năm thành lập Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới.

Bên lề buổi gặp mặt, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch Danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội chia sẻ:  Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội vô cùng tự hào rằng, dù là cán bộ ngoại giao đương chức, các phu nhân nhưng chúng tôi cũng là những người mẹ, người chị,  chúng tôi đã không ngừng phát huy sức mạnh mềm của người phụ nữ để thực hiện sứ mệnh gắn kết giữa những con người, những dân tộc. Sau 5 năm, nhóm đã làm được đúng những điều mong mỏi, đó là góp phần vào việc hình thành bản sắc ASEAN.

Các thành viên trong Nhóm luôn tâm niệm rằng, khi các Đại sứ đã làm việc trên các “mặt trận” chính để xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN, những phu nhân, những hậu phương phải có nhiệm vụ gắn bó từng “tế bào” ASEAN, từng gia đình ASEAN lại với nhau, để từ đó bản sắc ASEAN trở nên chặt chẽ hơn. Ngày nay, chắc rằng người Việt Nam biết về ASEAN nhiều hơn 5 năm trước, cán bộ ngoại giao Việt Nam thấy được mình là công dân ASEAN, đặt chân tới đâu cũng cảm thấy gắn bó. 

Đằng sau thành công của những Ngày hội ASEAN, Ngày Gia đình ASEAN với các đối tác, Lễ hội ẩm thực thường niên… là sự quyết tâm và nỗ lực của Nhóm trong việc hiện thực hóa sứ mệnh tăng cường gắn kết. Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, các sự kiện, sáng kiến của Nhóm ngày càng được mở rộng, không chỉ giữa các nước ASEAN với nhau mà còn cả cộng đồng quốc tế tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Nhóm nữ tri thức, Hội đồng Doanh nhân nữ, Ban Nữ công Bộ Ngoại giao... Qua 5 năm, từ một Nhóm chỉ gồm các thành viên đến từ 10 nước ASEAN, đến nay, Nhóm đã có sự tham gia của thành viên đến từ 5 tổ chức phụ nữ Việt Nam và 16 đối tác ASEAN. Quy mô này hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng và có được những hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn nữa.

Là người phụ nữ trước khi là những nhà ngoại giao, vì vậy, với Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và các thành viên trong Nhóm, sự sẻ chia về tình cảm, tinh thần có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Đến với nhau như những chị, em trong một gia đình, các thành viên thăm hỏi lẫn nhau lúc ốm đau, chia sẻ các thông tin về dịch vụ giáo dục, y tế, mua sắm hay ẩm thực… Nhóm thường xuyên tổ chức các chuyến đi đến các địa phương để tìm hiểu về Việt Nam, phối hợp với các đại sứ quán ASEAN tại Việt Nam quảng bá về văn hóa ASEAN. Đó là những hoạt động không chỉ có ý nghĩa về mặt đối ngoại mà còn làm chặt thêm sợi dây kết nối con người.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga bày tỏ “Những hoạt động thiện nguyện luôn được Nhóm chú trọng với mong muốn chia ngọt sẻ bùi cùng những số phận nghèo khó, đem đến cho các cháu nhỏ một cuộc sống tốt đẹp hơn, thắp sáng niềm tin của từng gia đình ở từng vùng miền trên khắp cả nước. Theo Đại sứ, qua các chương trình trong 7 năm qua, Nhóm đã huy động được các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đóng góp số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng thực hiện các hoạt động thiện nguyện trải dài khắp 3 miền đất nước, từ Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh cho tới Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Long An, Bà Rịa Vũng tàu… Để qua đó, người dân Việt Nam gần gũi hơn với ASEAN và bạn bè quốc tế. Ngược lại, bạn bè quốc tế và ASEAN cũng hiểu, yêu Việt Nam hơn.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết, trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép, Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm mong muốn làm được nhiều điều ý nghĩa hơn nữa, cùng các Đại sứ, các nhà ngoại giao, các phu nhân và các nhà ngoại giao nữ đóng góp để phục vụ thật tốt các hội nghị cấp cao, đón tiếp các nguyên thủ, phu nhân, phu quân tận tình, chu đáo; nỗ lực để họ hiểu hơn về Việt Nam qua các chuyến thăm quan, các chương trình văn hóa và ẩm thực; kết nối các phu nhân, phu quân với thế hệ trẻ để gắn kết giới lãnh đạo với người dân. Nhóm bắt đầu có những ý tưởng kết nối xuyên biên giới, giữa các nước trong ASEAN với nhau.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với các đại biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, thực hiện bình đẳng giới còn là một hành trình rất dài. Đối với khu vực, theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, trong năm 2020, ASEAN cần có những biện pháp thiết thực để tăng cường nhận thức về bình đẳng giới tốt hơn, có những hành động để trao đổi kinh nghiệm giữa các nước và cần có quyết tâm chung ở cấp cao nhất của Hiệp hội về bình đẳng giới. Với vai trò kép, Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa ở tầm chính sách, quyết tâm chính trị và những hoạt động cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới nói chung. Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, ở các Hội nghị Cấp cao tháng 4 và tháng 11, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Việt Nam sẽ lồng ghép các phiên thảo luận về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Khai mạc Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN
Khai mạc Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN

Sáng 4/3, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) ASEAN với sự tham gia của hàng trăm quan chức cấp cao đến từ 10 nước trong khối ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN