Những câu chuyện về ngư dân Việt Nam tại đảo Pontianak, Indonesia

Những ngày tháng 8, trong cái nắng cháy giữa mùa nắng của xứ vạn đảo, đoàn cán bộ của Đại sứ Việt Nam tại Indonesia đã đi thăm lãnh sự các ngư dân đang bị giam giữ tại Pontianak, thủ phủ của tỉnh Tây Kalimantan thuộc đảo Kalimantan (còn gọi là Borneo), một trong 5 đảo lớn nhất của Indonesia, giáp với Malaysia và Brunei.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong cuộc làm việc với Sở Tư pháp và Nhân quyền, cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp và Nhân quyền Indonesia, phụ trách công tác tư pháp, cải tạo và xuất nhập cảnh của tỉnh Tây Kalimantan, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Quang Vinh đã trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện công tác bảo hộ công dân, hồi hương ngư dân Việt Nam và thống nhất đưa ra những thay đổi để hai bên tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Ông Rochadi Iman Santoso, Giám đốc Tư pháp và Nhân quyền cho biết những ngư dân Việt Nam cần phải có sự hiểu biết về luật pháp để tránh không xâm phạm vào vùng biển của Indonesia dẫn đến hậu quả bị bắt, bị phạt theo luật pháp của Indonesia.

Chú thích ảnh
Ngư dân Việt Nam tại Tại trại tạm giữ của cơ quan xuất nhập cảnh Pontianak, đảo Kalimantan,Indonesia. Ảnh: Vietnam+

Các ngư dân Việt Nam đã vi phạm 2 luật của Indonesia gồm Luật nhập cảnh vì họ không có giấy phép nhập cảnh của Indoesia. Vấn đề thứ hai đó là các thuyền trưởng và máy trưởng là những người vi phạm chính, họ phải chịu trách nhiệm hình sự, phải bị đưa ra xét xử theo luật pháp Indonesia và phải chịu hình phạt tù giam.

Tại trại cải tạo Pontianak, Tây Kalimantan, Indonesia, nơi có 4 thuyền trưởng của 4 tàu cá Việt Nam đang thụ án, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã trao đổi với các thuyền trưởng về quy định và pháp luật của Việt Nam cũng như của Indonesia.

Theo luật pháp Indonesia, những thuyền trưởng hoặc máy trưởng sẽ bị giữ lại để chờ các phiên tòa xét xử, tùy theo mức độ vi phạm (xâm phạm sâu vào cùng biển Indonesia), mà họ sẽ phải chịu án tù, nhẹ thì từ 6 tháng đến 1 năm, nặng thì lên tới 2-5 năm. Họ cũng có thể nộp tiền phạt thay cho việc phải chịu án tù, tuy nhiên phần lớn các ngư dân đều có hoàn cảnh khó khăn, không thể nộp số tiền phạt lên tới vài trăm triệu đồng hoặc hàng tỷ đồng.

Trong khi đó, các ngư dân khác làm thuê trên tàu thì được chuyển đến các trại tạm giữ để hoàn tất các thủ tục trao trả. Thời gian để phía Indonesia hoàn thành hồ sơ thường kéo dài khoảng 2-3 tháng, sau đó kết quả này được chuyển cho phía Việt Nam để xác minh từ các cơ quan trong nước và các ngư dân phải nộp tiền mua vé máy bay về nước.

Trại tạm giữ của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Pontianak hiện có ngư dân Việt Nam đang chờ hoàn tất các thủ tục để hồi hương. Các ngư dân đã phản ánh về điều kiện sinh hoạt, ăn ở và những khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục hồi hương.

Đây là những thông tin để Đại sứ quán làm cơ sở phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc và đưa ngư dân hồi hương trong thời gian sớm nhất.

Ngoài bài học kinh nghiệm xương máu chung đối với tất cả ngư dân về việc vi phạm và bị bắt giữ, câu chuyện dẫn đến trại giam của mỗi người lại có những nỗi niềm riêng.

Ngư dân Đặng Văn Ân, quê Bến Tre kể: “Tôi bị bắt và bị giữ tại đây đã được 4 năm. Bản thân tôi là một ngư dân nhưng do thiếu tiền chữa bệnh cho mẹ, tôi đã đứng ra nhận mình là tài công thay cho một người khác để lấy 600 USD. Tuy nhiên, đến nay người tôi nhận tội thay vẫn chưa trả hết số tiền 600 USD cho tôi, họ đã lừa tôi và bây giờ tôi không biết phải làm gì. Tôi rất hối hận vì những việc làm của mình.

Trong thời gian 4 năm qua, gia đình tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, mẹ tôi đã chết, anh ruột cũng chết và rồi anh rể tôi cũng mới chết, nếu biết như này tôi sẽ không bao giờ đồng ý nhận tội thay, cho dù người ta có trả tiền tỷ tôi. Nếu được về Việt Nam, tôi sẽ không đi biển nữa mà sẽ tìm một công việc khác. Tôi khuyên các ngư dân khác nên tỉnh táo, không nên nghe theo những gì chủ ghe hay những người môi giới hứa hẹn để lâm vào tình cảnh như hiện nay của tôi”.

Đối với một số ngư dân, nỗi ám ảnh đã quá lớn khiến họ không muốn tiếp tục đi biển, nhưng với một số khác, đi biển đã là nghề cha truyền con nối, không đi biển biết lấy gì mà kiếm sống...

Ngư dân Trần Văn Hạ, quê Quảng Ngãi bày tỏ: “Tôi mong sớm được trở về Việt Nam để đoàn tụ cùng gia đình. Nếu về Việt Nam tôi cũng sẽ vẫn đi biển vì đây là nghề của tôi. Nhưng tôi sẽ tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đi và phải có hợp đồng với chủ ghe trước khi quyết định đi biển. Nếu không có hợp đồng chặt chẽ, tôi sẽ không đi vì chỉ lâm vào tình trạng này một lần thôi, tôi đã cảm thấy quá sợ hãi rồi. Tôi cũng mong anh em ngư dân Việt Nam phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đi biển bằng cách hỏi chủ ghe xem sẽ đánh bắt ở vùng biển nào sau đó mới đưa ra quyết định có nên đi hay không”.

Đối với các ngư dân khi bị bắt giữ, khó khăn lớn đầu tiên đó là rào cản ngôn ngữ để họ có thể hiểu về những yêu cầu của phía cơ quan chức năng Indonesia xử lý hồ sơ của mình hoặc trong việc yêu cầu được bảo đảm quyền lợi, được bảo hộ, được đối xử nhân đạo…

Đại sứ Phạm Vinh Quang cho biết trong chuyến thăm này, Đại sứ quán Việt Nam đã trao đổi với chính quyền và các cơ quan liên quan của Indonesia để phía Indonesia tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam tại đây có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, tiếp cận với điện thoại hay Internet để có thể thường xuyên liên lạc với gia đình hoặc được tham gia các hoạt động thể thao hàng ngày.

Đại sứ quán cũng đã yêu cầu phía Indonesia đảm bảo chế độ ăn uống cho ngư dân Việt Nam để đảm bảo sức khỏe... Sau khi nắm tình hình, Đại sứ đã ghi nhận phía Indonesia đã đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ tại đây.

Đã bao nhiêu lượt ngư dân bị bắt giữ, rồi được bàn giao trở lại cho Việt Nam, nhưng lại tiếp tục có những tàu thuyền khác vi phạm và ngư dân bị bắt giữ, thậm chí có những ngư dân bị bắt vài lần... cho thấy việc giải quyết triệt để tận gốc vấn đề này không thể một sớm một chiều và rất cần tiếp tục có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan chức năng Indonesia cũng như với các đơn vị ở trong nước, nhất là các địa phương...

TTXVN/Báo Tin tức
Tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài
Tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tỉnh Quảng Nam có bờ biển dài khoảng 125 km, ngư trường khoảng 40.000 km2, có 16 xã, phường, thuộc 6 huyện, thành phố, thị xã ven biển. Toàn tỉnh hiện có 4.278 tàu cá, trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên là 5 chiếc, với tổng cộng gần 17.000 lao động trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN