Tập trung giải quyết những vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Nghị quyết đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Cụ thể:
Về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, trong giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, việc quản lý sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, việc quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã bàn giao về địa phương.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại địa phương, hoàn thành trong năm 2025.
Về đất có nguồn gốc từ sắp xếp trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước, di dời cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, trong giai đoạn 2023 - 2024, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định để xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai liên quan đến: thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm đô thị lớn; đất thu hồi từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước…
Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Mục tiêu của Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó:
- Tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…;
- Tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.
- Tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân trong đó:
- Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.
- Thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án khả thi, hiệu quả.
- Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 01 triệu căn nhà ở xã hội.
Thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng.
Cụ thể, thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trường hợp bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước), cụ thể: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác số 1; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng Tổ công tác số 2; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng Tổ công tác số 3; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ công tác số 4; Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5.
Quyết định nêu rõ thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng.
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.
Thủ tướng yêu cầu các Tổ công tác phải báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Nghị định này quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, gồm các nội dung sau:
1. Tiêu chí lựa chọn trại giam thực hiện thí điểm.
2. Tiêu chí lựa chọn tổ chức hợp tác với trại giam để thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
3. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
4. Cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.
5. Chế độ, chính sách đối với phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam.
6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký công văn 124/TTg-CN về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, trình Chính phủ trong ngày 11/3/2023.
Hoàn thiện quy trình để bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy
Tại Thông báo số 74/TB-VPCP ngày 14/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú.
Rà soát vướng mắc trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1707/VPCP-CN ngày 16/3/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan đánh giá tình hình thực hiện Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 và rà soát, tổng hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP (bao gồm loại hợp đồng BT). Trên cơ sở đó, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.
Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch thành phố Buôn Ma Thuột
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 7/2023/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Cụ thể, thí điểm phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng trong phạm vi địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột (điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung) trên cơ sở các đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.