Ôn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán và thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động, công bố thông tin theo đúng quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Không để bị động khi có chủng virus mới bùng phát
Tại văn bản 2323/VPCP-KGVX ngày 14/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2090/VPCP-KGVX ngày 5/4/2022 của Văn phòng Chính phủ trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để không bị động khi có chủng virus mới bùng phát ở nước ta.
Quy định mới về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 26/2022/NĐ-CP về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định này hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 về thủ tục chấp thuận viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam và quy chế hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…
Mức giảm giá cước dịch vụ bưu chính không vượt quá 50% giá cước gần nhất
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.
Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 15đ về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính. Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.
Khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, thu hút mạnh nguồn lực đầu tư vào KKT Vân Phong
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao; xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút…
Đến 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 (Chiến lược) với mục tiêu đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số.
Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030 (Chiến lược), trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60%GDP, nợ Chính phủ không quá 50%GDP .
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch 3 vùng
Tuần qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 462/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 463/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh tế - xã hội đối với 3 vùng trên được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Dừng đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức PPP
Tại Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 14/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết định dừng thực hiện Dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo phương thức đối tác công tư đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ ban hành chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Nghị quyết đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển KT-XH
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là nội dung tại Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022.
Tại Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ; chủ động xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu đề ra.
Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Công điện 310/CĐ-TTg về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021.
Công điện yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi (nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư), chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan, bố trí cho đầu tư các công trình, dự án của địa phương phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.