Ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam đã được kéo dài hàng chục năm, bao trùm lên nhiều lĩnh vực và đã đạt được thành tựu lớn. Riêng trong lĩnh vực y khoa, Pháp đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo khoảng 3.000 chuyên gia và trong tương lai sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ đào tạo này.
Bày tỏ sự biết ơn trước những hỗ trợ tích cực từ Pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Pháp đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đào tạo nhân lực y tế cho Việt Nam, trong đó mạnh nhất là về ngoại khoa, mắt, chủng ngừa... “Những ngày Pháp - Việt về sáng tạo” sẽ là cơ hội tốt để các bác sỹ, sinh viên của Việt Nam được tiếp cận những thành tựu mới về y khoa của Pháp.
Trong ngày đầu tiên của “Những ngày Pháp - Việt về sáng tạo” có chủ đề Ngày về sức khỏe, Giáo sư Alain Carpentier - cha đẻ của trái tim nhân tạo Carmat đã chia sẻ về công trình nghiên cứu 30 năm của mình. Năm 2013, lần đầu tiên trái tim nhân tạo mang tên Carmat đã được ghép trên người. Đây là quả tim được chế tạo gần như quả tim tự nhiên của một người bình thường từ cấu tạo, khả năng tự đóng mở của các van tim, mô tơ bơm máu đến các cơ quan một cách hiệu quả. Tim Carmat được duy trì hoạt động bằng nguồn năng lượng điện, dựa vào máy điều khiển kích thước nhỏ và các bộ pin dự phòng. Tất cả những dụng cụ này được thiết kể tối giản hóa, giảm bớt sự cồng kềnh cho người bệnh. Đến nay, đã có 11 bệnh nhân suy tim được thay tim bằng trái tim nhân tạo và không ghi nhận biến chứng.
Cùng với chủ đề Ngày về sức khỏe, Những ngày Pháp - Việt về sáng tạo sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 20/10, với các chủ đề: Ngày về phát triển bền vững, Ngày về hình ảnh kỹ thuật số.