Ngày đêm gìn giữ những hiện vật quý giá
Khu di tích Kim Liên nằm trên địa bàn hai xã Kim Liên và Nam Giang, gồm cụm di tích Hoàng Trù, cụm di tích Làng Sen và một số điểm di tích khác. Tổng số hiện vật trưng bày trong khu di tích là 290 hiện vật, với gần 100 đơn vị hiện vật gốc.
Ngoài ra, kho hiện vật Khu Di tích đang lưu giữ, trưng bày 42 đầu loại hiện vật, với gần 4.000 đơn vị hiện vật, cùng hàng trăm tài liệu là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước, của các địa phương, đơn vị tặng cho Khu di tích Kim Liên.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lâm Đình Hùng, Trưởng phòng nghiệp vụ khu di tích Kim Liên, cho biết: "Những cấu kiện của di tích ở khu di tích Kim Liên đều là vật liệu kém bền vững như tranh, nứa, lá… chính vì vậy công tác bảo quản gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như công tác lợp tranh nhà Bác Hồ, hàng năm chúng tôi đều phải tổ chức trùng tu. Khi lợp tranh đòi hỏi phải có nghệ nhân biết đánh tranh, biết lợp tranh. Hiện nay , do thời kỳ công nghiệp 4.0 cho nên những nghệ nhân thủ công đó đã dần dần mai một. Chính vì vậy, quá trình trùng tu gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã chủ động có những biện pháp để khắc phục khó khăn. Ví dụ hàng năm, ngoài việc mời nghệ nhân đánh tranh, lợp tranh di tích nhà Bác Hồ, thì chúng tôi đã tổ chức tập huấn công tác này cho cán bộ khu di tích Kim Liên, và bây giờ hầu như cán bộ khu di tích kim Liên đều biết hết được việc này".
Ông Lâm Đình Hùng, Trưởng phòng nghiệp vụ khu di tích Kim Liên, chia sẻ về công tác bảo quản hiện vật, khu di tích:
Còn theo ông Trần Đình Thục (cán bộ Phòng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày Khu di tích Kim Liên): Do khuôn viên rộng, các điểm di tích nằm rải rác (cách nhau từ 2 đến 10 km), kết cấu tạo thành di tích là những vật liệu thô sơ nằm trong những khu vườn kín có nhiều cây cối... nên các hiện vật, tài liệu rất dễ bị côn trùng, mối, mọt, sâu bệnh xâm hại.
Bên cạnh đó, với lượng khách hàng năm từ 1,6 đến 2 triệu lượt khách, có những ngày lên đến 500 đoàn khách, với hàng chục nghìn lượt người; nên việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả bảo quản khó áp dụng, trong khi di tích vẫn phải bảo đảm gìn giữ trong môi trường tự nhiên không nhà kính, không điều hòa nhiệt độ, không công nghệ khí khô...
Video ông Trần Đình Thục chia sẻ về quá trình bảo quản các hiện vật tại Khu di tích Kim Liên:
Điều này đòi hỏi công tác bảo quản luôn phải tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt, liên tục hàng ngày, kết hợp giữa bảo quản thông thường và bảo quản khoa học, giữa bảo quản ngắn hạn và dài hạn, song song với chế độ tu bổ định kỳ, chống xuống cấp di tích như: Chống lún nứt nền nhà, xử lý chống dột, lợp tranh định kỳ, tu bổ cải tạo sân nền đường...; bảo đảm vừa lưu giữ di tích, vừa phục vụ nhu cầu tham quan.
Bên cạnh công tác bảo tồn, bảo quản, thì việc tôn tạo và phát huy tác dụng một địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng đang được cán bộ, nhân viên Khu di tích Kim Liên ngày đêm thực hiện, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện lòng kính yêu đối với Bác Hồ kính yêu.
"Cầu nối" giữa kỷ vật đến với du khách
Đã bao năm qua, chất giọng Nghệ ngọt ngào và sâu đậm, lúc ngân như hát, lúc nhẹ như thở, lúc nghẹn lại như khóc của những người thuyết minh, hướng dẫn viên nơi đây đã đi vào lòng du khách, tạo nên một ấn tượng rất đặc biệt ở khu di tích Kim Liên.
Chị Bùi Bích Đảm (Trưởng phòng Tuyên truyền Giáo dục, Khu di tích Kim Liên), người đã có 20 năm thuyết minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt, tâm sự: “Người thuyết minh là cầu nối giữa những kỷ vật đến với du khách, bởi vậy mà tình cảm đầu tiên phải xuất phát từ những người thuyết minh, sao cho chạm vào tâm hồn của du khách thì mới thành công”.
Cả khu di tích chỉ có 16 thuyết minh viên, phụ trách hướng dẫn 3 khu vực chính: Quê ngoại Bác ở làng Hoàng Trù, quê nội ở làng Kim Liên, khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở núi Chung và nhiều di tích khác gắn liền với tuổi thơ của Bác. Thời gian cao điểm, mỗi cán bộ thuyết minh đón hơn 25 đoàn khách một ngày.
Video về chị Bùi Bích Đảm trong một lần giới thiệu Khu di tích Kim Liên đến du khách:
“Người thuyết minh hướng dẫn tiếp đón nhiều đoàn mỗi ngày, nếu mình không làm mới những bài thuyết minh, nếu mình không có những xúc cảm trong đó đó thì bài thuyết minh của mình sẽ không đưa đến cho khách những điều mới lạ. Khách đến với khu di tích Kim Liên không những một lần mà có những người đến 5-6 lần, có khi 10 lần…”, chị Đảm chia sẻ.
Với những nỗ lực đó, lượng khách đến tham quan Khu Di tích ngày càng tăng, đây cũng là niềm tự hào của mỗi cán bộ, nhân viên Khu Di tích Kim Liên.
Giám đốc Khu di tích Kim Liên, ông Nguyễn Bảo Tuấn cho biết, Khu di tích luôn coi công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích; chú trọng công tác sưu tầm kiểm kê tư liệu, nghiên cứu chỉnh lý trưng bày để phát huy cao nhất giá trị của hiện vật và đáp ứng được nhu cầu được tận mắt chứng kiến những hiện vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Bác, khai thác chiều sâu các di tích, hiện vật, gắn các hiện vật với bối cảnh lịch sử và những câu chuyện của nó cùng các tài liệu cùng thời cùng loại.