Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người. Do vậy phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi”.
Đây là thông điệp của Đảng kêu gọi, động viên những người đã lỡ “nhúng chàm” tự giác “rửa tay”. “Rửa tay” sớm ngày nào thì vết “chàm” đỡ ngấm sâu thêm ngày ấy, giúp cho mình được nhẹ tội, việc giải quyết hậu quả nhờ vậy bớt phần khó khăn hơn. “Rửa tay” để gột “vết nhơ” mà mình đã dính vào có thể bằng nhiều hình thức như: không tiếp tục làm việc vi phạm đó nữa, tự giác khai báo, hợp tác với Cơ quan điều tra, nộp lại tiền do “nhúng chàm” mà có… Khái niệm “rửa tay” ở đây được hiểu theo góc độ của người vi phạm tại từng thời điểm. Như trong vụ án Công ty AIC, khi nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ; trong vụ án MobileFone mua AVG, khi nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nộp lại khoản tiền 3 triệu USD tham ô ngay tại phiên tòa… thì chỉ gọi là khắc phục hậu quả, là “bị rửa tay” chứ không phải là “tự rửa tay”. Việc khắc phục này được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.
Lấy ví dụ như mầm mống một căn bệnh nan y, càng được phát hiện sớm thì càng dễ điều trị và hiệu quả càng cao. Việc tự giác nộp lại tiền hưởng lợi bất chính, tự giác khai báo trước khi vụ án được phát hiện, điều tra, khởi tố… thì sẽ được đánh giá cao hơn và hưởng sự khoan hồng lớn hơn của Nhà nước. Tự nguyện “rửa tay” trong trường hợp này sẽ giúp xốc lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, siết chặt kỷ luật, ngăn ngừa những “khối u” làm mọt ruỗng bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Quay trở lại vụ án Công ty AIC thông thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, trong số 36 bị cáo, có tới 8 bị cáo đã xuất cảnh, bỏ trốn. Trước thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã và phát thư kêu gọi ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định, nhưng không có kết quả.
Đối với những trường hợp cố tình bỏ trốn đi nước ngoài này, cần thực hiện các biện pháp để bắt về nước rồi xử lý, trường hợp thực hiện các biện pháp mà không có kết quả thì xử vắng mặt. “Luật pháp của chúng ta cho phép xử vắng mặt, trốn cũng không được, trốn đi vẫn có quyền xử vắng mặt, tuyên bố công khai. Phải phòng, chống tham nhũng quyết liệt, nếu không hư hỏng bộ máy, làm mất chế độ", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Có lẽ cảm nhận thấy cảnh “chạy đâu cho khỏi trời nắng”, ngay trước ngày khai mạc phiên tòa xét xử vụ án Công ty AIC cho đến suốt quá trình diễn ra phiên xử, có 3 bị cáo trong tổng số 8 bị cáo bỏ trốn đã gửi đơn, tâm thư xin hợp tác tới Hội đồng xét xử, bày tỏ mong muốn được xét xử vắng mặt và xin chấp thuận phán quyết của Tòa.
Trước khi mở phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử trình bày về việc bị cáo Thuyết đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 4/2021 để giám hộ cho 2 con đang theo học tại đây. Bị cáo Thuyết xuất cảnh từ trước khi các cơ quan tố tụng tiến hành xác minh vụ án này. Trong đơn gửi tới Hội đồng xét xử, bị cáo Thuyết xác định bị cáo tôn trọng toàn bộ nội dung Kết luận điều tra và nội dung Cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Đồng thời, bị cáo xin được xét xử vắng mặt, xin chấp hành mọi phán quyết của Tòa và đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính gần 2 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và kêu gọi các bị cáo bỏ trốn còn lại tiếp tục ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Sau bị cáo Thuyết, bị cáo Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) gửi đơn tới Hội đồng xét xử trình bày hoàn cảnh đang chăm sóc con ốm ở Mỹ, bị cáo cũng đang phải điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ tại đây, nên mong muốn sẽ hợp tác, chấp hành các yêu cầu của cơ quan tố tụng. Trong đơn, bị cáo Vinh nêu rõ địa chỉ nơi mình đang cư trú và xác nhận: “Sau khi điều trị xong, khi sức khỏe bình thường tôi sẽ về Việt Nam tiếp tục hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ việc này”.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho 1 bị cáo bỏ trốn khác là bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa) cũng thông báo về việc thân chủ của họ đã gửi đơn và tâm thư đến Tòa bày tỏ nguyện vọng hợp tác cùng các cơ quan tố tụng.
Có hành vi phạm tội nhưng biết "quay đầu là bờ", khai báo đầy đủ để giúp cơ quan pháp luật phá án, đó là "rửa tay", biết nhận sai và được đối xử nhân văn, khoan hồng của Nhà nước, của nhân dân. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ thì không thi hành án tử hình.
Luật phòng, chống tham nhũng cũng quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý.
Pháp luật luôn rộng lượng khoan hồng cho những người vi phạm biết dừng lại đúng lúc, biết chủ động tự "rửa tay" khi “nhúng chàm”, biết khắc phục hậu quả, hợp tác khai báo ngay từ đầu... Mỗi người đều có sự lựa chọn cho riêng mình, con đường đi của riêng mình và nhận kết quả theo sự lựa chọn đó...
Bài 4: Cần dũng khí để đứng sang một bên