Bác Hồ với người dân Ninh Bình
Trong khoảng 15 năm, từ tháng 1/1946 đến tháng 7/1960, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình vinh dự và tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Lần đầu tiên là ngày 13/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào Phát Diệm, huyện Kim Sơn.
Lần thứ hai vào ngày 10/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan do Bộ Canh Nông tổ chức, giữa lúc cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp diễn ra cam go, quyết liệt.
Lần thứ ba vào ngày 15/3/1959, Bác đã về thăm hỏi, động viên nhân dân xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh hăng hái lao động, chống hạn cứu lúa. Cũng trong năm 1959, vào tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị Sản xuất vụ Đông - Xuân (1959 - 1960) tỉnh Ninh Bình.
Lần cuối cùng Bác về thăm Ninh Bình là ngày 20/7/1960, sau khi thăm một số nông trường quốc doanh ở Nghệ An, Thanh Hóa, trên đường về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã tới thăm nông trường Đồng Giao, thị xã Tam Điệp (nay là Thành phố Tam Điệp).
Ngoài 5 lần về thăm Ninh Bình, Bác Hồ cũng thường xuyên quan tâm, theo dõi, viết thư thăm hỏi, khen ngợi, động viên khích lệ Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, năm 1969, do tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhiều, mặc dù không thể về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ X, nhưng ngày 26/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng Đại hội bức chân dung của Bác có ghi những lời dặn dò vô cùng quý báu.
Mỗi lần Bác về thăm Ninh Bình là một vinh dự to lớn, là niềm vui chung đối với người dân tỉnh Ninh Bình. Đó không chỉ thể hiện tình cảm, sự quan tâm ân cần, sâu sắc của Bác mà còn là những nhiệm vụ cách mạng quan trọng mà Bác mong muốn, hi vọng Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình tập trung thực hiện.
Trong 5 lần Bác Hồ về thăm Ninh Bình, dịp Bác về dự Hội nghị sản xuất vụ Đông - Xuân năm 1959 là dịp thể hiện rõ nhất tình cảm sâu sắc của Bác với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Những lời dạy của Bác tại Hội nghị không chỉ gói gọn trong nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, không chỉ có giá trị trong vụ sản xuất Đông - Xuân năm 1959 - 1960 và trong 3 năm thực hiện kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960), mà còn mang tầm bao quát và có ý nghĩa to lớn, góp phần soi đường, chỉ lối cho Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình trong sự nghiệp cách mạng lâu dài, từ việc Đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết ngoài Đảng, đoàn kết lương - giáo, thi đua sản xuất, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hành tiết kiệm… đều là những vấn đề căn cốt mà Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn phải khắc ghi và thực hiện tốt để vươn lên, phát triển vững mạnh về mọi mặt, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.
Khắc ghi lời dạy của Bác, trong 60 năm qua, cùng với việc thực hiện những điều căn dặn của Bác trong Di chúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình luôn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần cùng với nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kháng chiến thành công, nhân dân Ninh Bình cùng với nhân dân Hà Nam Ninh tích cực khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đặc biệt, từ sau khi được tái lập (năm 1992 đến nay), tỉnh Ninh Bình đã vươn lên giành được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.
Ninh Bình trên đà phát triển
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sau 3 năm, việc học tập và làm theo gương Bác đã trở thành phong trào rộng khắp tỉnh Ninh Bình.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo và tổ chức được nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa. Kết quả từ việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh.
Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua… đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, kinh nghiệm quý, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác.
Điển hình như: Phong trào hiến tạng, giác mạc ở huyện Kim Sơn đã thu hút gần 800 người đăng ký hiến tặng và 103 người đã hiến tặng khi qua đời, đặc biệt là gương Thiếu tá quân đội Lê Hải Ninh (huyện Yên Mô) và anh Dương Hồng Quý (thành phố Ninh Bình) hiến mô, tạng sau khi qua đời đã cứu sống nhiều người mắc bệnh nan y; Đảng viên Đỗ Quang Sản (huyện Yên Khánh) xây cầu cho người dân đi lại; em Lê Thị Minh Ngọc, học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (thành phố Tam Điệp) mở thư viện cá nhân, thành lập Câu lạc bộ Toán học và dạy thêm ngoại ngữ miễn phí cho trẻ em... Đó là những việc làm, những tấm gương bình dị nhưng cao quý, có sức lan tỏa lớn trong xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn coi đó là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Những kết quả tích cực đó đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố nét đẹp văn hoá, đạo đức xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đến nay, kinh tế của tỉnh Ninh Bình phát triển khá toàn diện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 8,21%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng từ 40 tỷ đồng (năm 1992) lên đến 12.777 tỷ đồng (năm 2018), tăng gấp hơn 300 lần. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp và dịch vụ. Năm 2018, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng là 40,80%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là 12,10%, dịch vụ là 47,10%.
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch có bước phát triển đột phá, Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo điều kiện và mở ra cơ hội, vận hội lớn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng tăng, đến năm 2018 đạt 7,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 3.200 tỷ đồng.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 90 xã (chiếm 84% tổng số xã) và 2 huyện Hoa Lư, Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng… cũng được tỉnh chú trọng và đạt nhiều kết quả toàn diện. Đến nay, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao… từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội. Công tác giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 3,63%...
Bác đã đi xa nửa thế kỷ, nhưng kỷ niệm về những lần Bác về thăm cùng tình cảm và những lời dặn dò của Bác vẫn luôn khắc ghi trong tâm khảm và trái tim của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân dân Ninh Bình. Bác Hồ chính là tấm gương, là động lực để người dân tỉnh Ninh Bình học tập, làm theo, đưa Ninh Bình đi lên phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh.