Theo đó, tỉnh Ninh Thuận phân loại cấp độ dịch để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với cấp xã, có 44/65 xã, phường và thị trấn được đánh giá cấp độ 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh); 18 đơn vị cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng); 3 đơn vị cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam) và không có đơn vị thuộc cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Đối với cấp huyện, có 3/7 huyện, thành phố là Bác Ái, Ninh Sơn và Thuận Bắc thuộc cấp độ 1 (vùng xanh); 4 huyện, thành phố là Thuận Nam, Ninh Phước Ninh Hải và Phan Rang-Tháp Chàm thuộc cấp độ 2 (vùng vàng); không có huyện, thành phố ở cấp độ 3 và cấp độ 4.
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu trong tháng 10/2021 tỷ lệ tiêm vaccine ở người từ 65 tuổi trở lên đạt 80%; đến ngày 11/11, cơ bản kiểm soát được các ổ dịch trên địa bàn huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để đạt cấp độ 1.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định số 2013/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1 từ ngày 20/10 đến hết ngày 11/11/2021.
Trong giai đoạn trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo từng khu vực từ cấp 1 đến cấp 4; trong đó nêu rõ việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau. Đối với các hoạt động khác, tùy thuộc mỗi cấp độ để cho tiến hành hoạt động trở lại hoặc phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng dịch.
* Từ ngày 21/10, Hậu Giang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại 73/75 xã, phường, thị trấn mức độ dịch cấp 2. Tại các địa bàn này, tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử. Người dân khi ra, vào Hậu Giang không thực hiện cấp giấy đi đường, nhưng khi về địa phương phải thực hiện khai báo y tế.
Trên các địa bàn này, việc vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ đêm cũng được hoạt động nhưng phải có đơn vị quản lý, có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; khuyến khích áp dụng hình thức bán hàng online. Các nhà hàng, quán ăn, uống được hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; khuyến khích áp dụng hình thức bán hàng mang về. Các cơ sở dịch vụ như cắt tóc, gội đầu, làm đẹp, rửa xe, sửa xe; dịch vụ phục vụ dân sinh được hoạt động nhưng công suất tối đa không quá 50%. Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo được hoạt động nhưng phải đảm bảo điều kiện 100% người bán hàng rong, vé số dạo được tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều. Tỉnh tiếp tục tổ chức theo hình thức dạy, học trực tuyến và qua truyền hình.
Trong 14 ngày qua, Hậu Giang ghi nhận 3 ổ dịch cộng đồng, đã thiết lập 4 vùng cách ly y tế.
Ngoài ra, từ ngày 1- 19/10, Hậu Giang đã tiếp nhận hơn 14.500 người về từ ngoài tỉnh. Do vậy, địa phương đối mặt với nguy cơ số ca mắc là các trường hợp người về từ ngoài tỉnh với tỷ lệ dương tính khá cao (2,8%). Đến ngày 21/10, tại Hậu Giang ghi nhận 419 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số người đã tiêm đủ 2 liều vaccine là 17%, người đã tiêm 1 liều vaccine là 33%, người chưa tiêm là 50%. Đặc biệt có nhiều trường hợp sau khi hoàn thành cách ly, xét nghiệm về theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú ở các xã, phường, thị trấn đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.