Ninh Thuận: Không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 16 giờ ngày 26/10. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Chiều 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã có Công điện khẩn số 5823/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 25/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; Phương án 5818/PA-PCTT ngày 25/10/2021 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm nạn tỉnh để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Chú thích ảnh
Nhiều tàu thuyền của tỉnh và tàu vãng lai được bố trí neo đậu an toàn tại Cảng cá Ninh Chữ, huyện Ninh Hải. 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”; đồng thời thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão như tại Cảng cá Ninh Chữ, Cảng cá Đông Hải, Cảng cá Cà Ná và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh va đập xảy ra. Đặc biệt, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 16 giờ ngày 26/10. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong lúc này.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, toàn tỉnh có 2.520 tàu thuyền với 14.994 lao động. Đến trưa 26/10, tại các cảng cá của tỉnh, 2.275 tàu thuyền với hơn 12.500 lao động đã vào bờ, cập bến an toàn; 40 chiếc cùng với hơn 400 lao động đã neo đậu tại bến của các tỉnh; 205 chiếc còn lại với hơn 2.000 lao động đang hoạt động trên biển của tỉnh bạn, hiện đã liên lạc được và đang vào bờ tránh trú. 461 lao động làm việc tại 265 bè/4.0 lồng, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang vận động để sớm vào bờ tránh trú.

Đối với những vùng xung yếu, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng ven sông, ven suối, ven biển, vùng hạ lưu đập, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt… đến nơi an toàn nhất; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân sơ tán.

Các địa phương nhanh chóng huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ sản xuất, có biện pháp đảm bảo an toàn công trình đang thi công ven biển…; đồng thời chủ động phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu khẩn cấp.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu nhưng khả năng mưa to sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 27/10. Riêng vùng núi các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái có mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm. Vùng biển của tỉnh có mưa to và dông mạnh; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Khánh Hòa khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Khánh Hòa khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh, trong hai ngày 25-26/10 các đơn vị, địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống áp thấp nhiệt đới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN