Tại buổi làm việc, Thủ tướng kết luận, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định mới về cơ chế chính sách đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đây sẽ là một nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động của Khu Công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng này nhằm nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là Khu Công nghệ cao Quốc gia trên địa bàn hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Hà Nội với quy mô 1.586 ha và được phát triển để trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin - truyền thông, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa.
Để tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, một hạ tầng hiện đại ngang tầm khu vực đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bằng ngân sách nhà nước và đặc biệt bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.
Theo Báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đến thời điểm này, đơn vị đã nhận được 1.530 ha đất trên tổng số 1.586 ha theo quy hoạch, hiện còn 56ha dang thực hiện các thủ tục thu hồi đất.
Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và 3 trường đại học) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 346,5 ha, thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội. Hiện nay, đã có 36 dự án đi vào hoạt động với khoảng trên 10.000 người đang làm việc, học tập. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc năm 2016 đạt hơn 2,4 tỷ USD với mức xuất khẩu là gần 1,3 tỷ USD, nhập khẩu là gần 1,2 tỷ USD.
FPT đang là nhà đầu tư lớn nhất và hiệu quả nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với hai dự án Làng phần mềm FPT và Đại học FPT. Trong đó, Dự án làng phần mềm FPT có quy mô 6,5 ha với 5.000 lập trình viên, cán bộ, nhân viên làm việc.
Dự án Đại học FPT có quy mô 30ha, với khoảng 4.000 sinh viên, giáo viên đang học tập, làm việc. FPT đang nỗ lực phấn đấu đạt doanh thu năm 2017 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ở mức 300 triệu USD.
Khó khăn lớn nhất và cũng là vấn đề tồn tại lâu nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện vẫn là giải phóng mặt bằng với 243 ha hiện vẫn chưa được giải tỏa trong suốt 15 năm qua, gây nên rất nhiều vấn đề phát sinh trong xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Nguồn kinh phí cần để giải phóng mặt bằng rất lớn, lên đến khoảng hơn 6,2 ngàn tỷ đồng nhưng hiện nay mới bố trí được hơn 3 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng là một khó khăn của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bởi theo quy hoạch, hệ thống này được xây dựng theo hướng đầu tư một lần đồng bộ nhưng thực tế lại được triển khai theo từng giai đoạn, do ngân sách Nhà nước không đáp ứng được tổng số vốn đầu tư lớn trong một thời gian ngắn và tình trạng giải phóng mặt bằng "xôi đỗ", không liền khoảnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thăm một số cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như Làng phần mềm của FPT và nhà máy sản xuất số 2 của VNPT Technology, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của đất nước, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hình thành nên những yếu tố của một khu công nghệ cao và đã có những đối tác quan trọng đầu tư như FPT, Viettel, VNPT là một thành quả rất đáng ghi nhận.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc giữ vững định hướng, mục tiêu lâu dài để triển khai các hạng mục xây dựng, góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia dựa trên đổi mới và sáng tạo; là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặt câu hỏi lớn là làm sao sớm đạt được mục tiêu đề ra đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của đơn vị này, như số lượng dự án Công nghệ cao còn quá ít so với các khu công nghiệp điện tử ở nước ta; đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng quá chậm; số lượng dự án công nghệ cao còn ít trong khi giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách, đóng góp cho ngành khoa học Việt Nam chưa rõ nét.
Không chỉ hạ tầng giao thông mà hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa đa mục tiêu trong khu vực này cũng còn nhiều vấn đề cần khắc phục, đầu tư để thu hút lao động tri thức.
Nêu thực trạng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc một cách hình ảnh là “hai mươi tuổi vẫn còn uống sữa”, Thủ tướng đã chỉ đạo các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động của đơn vị này trong thời gian tới. Trong đó một trong những nhiệm vụ đầu tiên là cần xây dựng thương hiệu cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc để thu hút đầu tư.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị cán bộ lãnh đạo và quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải thay đổi cách nghĩ, cách làm phù hợp hơn. “Ngoài việc đầu tư hạ tầng chuẩn mực, cần sàng lọc, lựa chọn và thu hút các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có hàm lượng tri thức cao, để mỗi sản phẩm đi ra từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải là những sản phẩm chất lượng cao, được sự thừa nhận của người sử dụng từ các nước tiên tiến, để làm sao các doanh nghiệp tự hào được đặt nhà máy, dự án tại Khu công nghệ cao này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ươm nhân tài, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng cần nghiên cứu đề xuất cơ chế để thu hút các nhà khoa học Việt Nam cống hiến trí tuệ, giải pháp kỹ thuật để thử nghiệm sản xuất. Trong đó phải có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, có cơ chế cho phép nhà đầu tư, nhà khoa học được mua bán, sở hữu nhà ở lâu dài…