Cuộc đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam vẫn tiếp diễn và ngày càng nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Hình ảnh một người phụ nữ Pháp gốc Việt, bà Trần Tố Nga, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông Pháp trong những ngày cuối tháng 1/2021, khi Tòa đại hình thành phố Evry (ngoại ô Paris) mở phiên tranh tụng đầu tiên sau 6 năm kể từ khi tiếp nhận đơn kiện. Được ví như “cuộc chiến giữa người tí hon David với gã khổng lồ Goliath”, vụ kiện của bà Tố Nga chống lại 14 công ty hóa chất Mỹ, bao gồm Monsanto và Dow Chemical, đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh vài tháng trước đó, người nông dân Pháp Paul Francois đã thắng kiện trước Monsanto vì phải chịu đựng những di chứng bệnh tật nặng nề do đã sử dụng thuốc diệt cỏ Lasso, sau 14 năm theo đuổi cuộc chiến pháp lý.
Bà Tố Nga, sinh năm 1942, từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, đã sống và làm việc trong những năm chiến tranh ở nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng bởi chất độc da cam như Củ Chi, Bình Long, v.v. Bà có ba người con, một người tử vong từ bé vì bệnh tim tứ chứng Fallot bẩm sinh và một người mắc bệnh thiếu máu tán huyết di truyền alpha thalassemia. Bản thân bà mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường tuýp 2, nồng độ dioxin trong máu cao, cao huyết áp, lao phổi. Bà chỉ là một trong hàng triệu người Việt Nam cho đến nay vẫn đang gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống thời chiến tranh, gây ra.
Ngày 30/4/1975, người dân Việt Nam hân hoan chào đón cuộc sống hòa bình và tái thiết đất nước. Nhiều người nói rằng đó là dấu mốc chấm dứt những thảm bom bi gây sát thương diện rộng. Chấm dứt cả những thảm bom napalm biến con người thành ngọn đuốc sống…Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã để lại một chất độc không thể nhìn thấy được: dioxin. Loại vũ khí hóa học mạnh này, được biết đến với tên gọi chất độc da cam do tập đoàn Monsanto sản xuất, đã xâm nhập vào nhiều vùng đất, tầng nước ngầm và thảm thực vật ở Việt Nam.
Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành rải chất khai quang ồ ạt tại Việt Nam nhằm san bằng các cánh rừng già, nhiều nơi là căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phá hoại mùa màng cùng môi trường sống của người dân, ngăn cản họ tiếp đón và nuôi các chiến sỹ giải phóng. Được sử dụng rộng rãi nhất là loại chứa một chất cực kỳ độc hại: dioxin. Sản phẩm hóa học này có đặc tính ổn định, chịu được nhiệt độ 1.000 độ C trở lên và phân hủy rất chậm, do đó gây ảnh hưởng đến con người và môi trường trong thời gian dài. Trong vòng 10 năm, ước tính khoảng 80 triệu lít chất khai quang với lượng dioxin lên tới gần 400 kg đã được rải trên 3 triệu ha, gần bằng 1/4 diện tích của miền Nam Việt Nam. Hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba. Qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả chất độc da cam/dioxin đã di nhiễm sang thế hệ thứ tư.
Sau chiến tranh, chất độc da cam/dioxin tiếp tục gây tử vong, các bệnh lý nghiêm trọng, dị tật bẩm sinh như khuyết tật về thể chất và tinh thần, thừa hoặc thiếu các bộ phận cơ thể, tổn thương thần kinh không thể phục hồi, v.v. Nhiều gia đình có ít nhất một thành viên khuyết tật. Lực lượng lao động bị ảnh hưởng khi người lớn khỏe mạnh trong các gia đình phải dành một phần thời gian để chăm sóc những người thân bị tàn tật. Thu nhập hộ gia đình thấp trong khi chi phí chăm sóc y tế cao khiến đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vô cùng khó khăn và thiếu thốn.
Hàng chục năm nay, Chính phủ Việt Nam và các hiệp hội nhân đạo tăng cường công cuộc giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học trên nhiều khía cạnh: nhân đạo, y tế, kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị và pháp lý. Dư luận quốc tế liên tục được cảnh báo về mức độ của thảm kịch dioxin tại Việt Nam, thông qua các hội nghị, chương trình truyền thông, sách báo, phim ảnh... Hàng loạt chính sách hỗ trợ cho nạn nhân đã được thực hiện, cung cấp sự chăm sóc y tế và phẫu thuật, phục hồi chức năng. Hàng chục trung tâm được mở ra để tiếp nhận các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là trẻ em.
Cho dù Mỹ vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm trong cuộc chiến tranh hóa học này, họ cũng đã tham gia vào Nhóm đối thoại Việt – Mỹ về chất độc da cam/dioxin, cũng như tiến hành tẩy độc sân bay Đà Nẵng từ tháng 8/2012. Đến nay, 33 điểm nóng nhiễm độc dioxin ở Việt Nam đã được xác định, 3 trong số đó – sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát – cần được ưu tiên xử lý.
Bên cạnh đó, thảm kịch chất độc da cam/dioxin phải được tiếp cận theo quan điểm nhân đạo: đối mặt với mức độ của thảm họa, vấn đề cơ bản vẫn là trách nhiệm. Tại Mỹ, các cựu chiến binh là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin đã đệ đơn kiện các nhà sản xuất. Năm 1984, các công ty hóa chất đã ký một thỏa thuận với các hiệp hội cựu chiến binh Mỹ, theo đó phải trả 180 triệu USD cho một quỹ bồi thường để đổi lấy việc dừng tất cả các vụ kiện. Tháng 7/2013, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết với đơn kiện của 39 cựu chiến binh bị mắc trọng bệnh vì chất khai quang da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tòa cho rằng đã chứng minh được mối liên quan dịch tễ giữa loại thuốc diệt cỏ này và các bệnh ngoài da mà các cựu chiến binh Hàn Quốc, đã từng chiến đấu cùng với quân đội Mỹ ở Việt Nam, mắc phải. Tòa quyết định rằng Monsanto và Dow Chemical phải bồi thường tổng cộng 466 triệu won (khoảng 315.000 euro).
Về phía Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã nộp đơn kiện đầu năm 2004 tại Mỹ, tố cáo các công ty hóa học đã sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đơn kiện này đã bị bác bỏ lần đầu tiên vào tháng 3/2005. Đơn kháng cáo của VAVA, nộp tháng 2/2008, cũng bị Tòa án tối cao Mỹ từ chối thụ lý vào tháng 2/2009. Dù vậy, vụ kiện đã giành được thắng lợi quan trọng về nhiều mặt, khi vạch trần trước dư luận thế giới việc Mỹ đã tiến hành chiến tranh hóa học dưới chiêu bài “chỉ dùng chất diệt cỏ để khai quang”.
Thông qua vụ kiện, dư luận thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, ủng hộ Việt Nam đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam. Việc Tòa án Mỹ từ chối thụ lý đơn kiện không ngăn chặn được khả năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục các vụ kiện khác, tiến hành đấu tranh pháp lý đề đòi công lý.
Theo sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Toà án Lương tâm nhân dân quốc tế về chất độc da cam đã được tổ chức tại Paris, Pháp, trung tuần tháng 5/2009. Tòa khẳng định rằng việc sử dụng dioxin là một tội ác chiến tranh chống loài người. Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất dioxin mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể được coi là “hủy diệt sinh thái”, các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm khi đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ. Bà Trần Tố Nga đã tham gia phiên tòa với tư cách là một nhân chứng, một nạn nhân của thảm họa dioxin, nơi bà đã gặp những người ủng hộ và tạo điều kiện giúp bà tiến hành từ năm 2014 vụ kiện lịch sử chống lại các công ty hóa chất Mỹ, mà bà coi là cuộc đấu tranh cuối cùng của đời mình.
Phán quyết ngày 10/5 vừa qua của Tòa đại hình Evry, rằng một tòa án Pháp “không đủ thẩm quyền” để xét xử hành động của một quốc gia nước ngoài có chủ quyền trong thời kỳ chiến tranh, không làm người phụ nữ 79 tuổi nản chí sờn lòng. Bà Tố Nga lập tức tuyên bố sẽ gửi đơn kháng cáo, và chuẩn bị sức khỏe để đi đến cùng cuộc chiến pháp lý vì các nạn nhân da cam/dioxin.
Nỗi đau da cam không của riêng cá nhân ai, mà là nỗi đau của cả dân tộc và nhân loại tiến bộ. Hàng loạt câu hỏi đã được dư luận quốc tế đặt ra: Làm thế nào để người dân vượt qua thảm họa dioxin trong quá khứ? Các quốc gia có trách nhiệm gì trong việc lựa chọn vũ khí hóa học và sử dụng chúng trong trường hợp xung đột vũ trang ? Bồi thường thế nào cho các nạn nhân và các quốc gia bị tàn phá ?Phong trào hành động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không ngừng lan tỏa trên toàn thế giới, không chỉ nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ của “tội ác hủy diệt sinh thái” trong tương lai.