Nóng: Đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT tại Hà Nội

Ngay khi môn thi Ngữ văn vừa kết thúc, tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI và admin "Học văn lớp 9" đã có hướng dẫn giải đề thi.

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội.


Phần giải đề của HỌC MÃI:

Phần I:

Câu 1:


Tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” do Huy Cận sáng tác vào năm 1958 khi đi thực tế tại vùng biển Quảng Ninh.


Câu 2:


- Các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên trong hai câu thơ: gió, trăng, mây, biển.


- Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng khiến cho con thuyền trở nên kì vĩ, mang tầm vóc vũ trụ, gió trời là người lái, trăng trời là cánh buồm. Qua đó, tác giả tô đậm tầm vóc, vị trí trung tâm của người lao động mới. Ngư dân không chỉ làm việc với lòng dũng cảm, hăng say mà còn với tâm hồn lãng mạn, hòa mình vào thiên nhiên mang tâm thế của con người lao động mới làm chủ đất nước.


Câu 3:


Câu thơ cần tìm nằm trong bài thơ “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dịch thơ: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Nguyên văn chữ Hán: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.


Câu 4:


1. Hình thức:


- Đoạn văn đảm bảo dung lượng: 12 câu


- Hình thức lập luận: diễn dịch (câu chủ đề nằm ở đầu đoạn văn).


- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả,...


- Thực hiện đủ yêu cầu Tiếng Việt trong bài viết: phép lặp và câu có thành phần phụ chú.


2. Nội dung:


- Khái quát: Đoạn thơ là một khúc ca ca ngợi hình ảnh con người lao động với kết quả rực rỡ, ca ngợi vẻ đẹp tươi sáng của bình minh trên biển Hạ Long.


- Chi tiết:


+ “Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng”: con người chạy đua với thời gian, chạy đua với thiên nhiên để làm việc và cống hiến. Hình ảnh đó làm nổi lên bức tượng đài sừng sững của người lao động giữa vùng biển Hạ Long.


+ “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”: Tiếng “ta” vang lên đầy kiêu hãnh, từ “xoăn tay” thể hiện tư thế chắc khỏe, cường tráng của người lao động; tư thế ấy đã khẳng định được vị thế của mình trước biển khơi; “chùm cá nặng” là thành quả lao động xứng đáng dành cho họ.


+ “Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông” đó là màu sắc của thân cá khiến cho không gian như bừng sáng; gợi sự liên tưởng tới sự giàu có của biển.


+ “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng” là câu thơ chứa hình ảnh đối lập: “lưới xếp” là kết thúc ngày lao động, “buồm lên” là đón chào ngày mới.


+ “Nắng hồng”: là ánh nắng bình minh của ngày mới, một ngày trong trẻo, tươi sáng; còn là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời mới, tương lai mới cho đất nước, cho con người.


Phần II:


Câu 1:


- Hoàn cảnh cuộc trò chuyện: Phan Lang được Linh Phi cứu giúp xuống dưới thủy cung gặp Vũ Nương.


- “tiên nhân” được nhắc tới trong lời của Phan Lang để chỉ tổ tiên, cha ông và Trương Sinh.


Câu 2:


- Sau khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương lại “ứa nước mắt khóc” vì xót xa cho tình cảnh bi thảm.


- Vũ Nương quả quyết “tôi tất phải tìm về có ngày” thể hiện phẩm chất cao đẹp của nàng và mong muốn gặp lại chồng con và được giải oan.


Câu 3:


Học sinh có thể làm theo nhiều hình thức khác nhau, dưới đây là gợi ý:


1. Về hình thức


Đoạn văn có dung lượng 2/3 trang giấy, đảm bảo đúng cấu trúc ngữ pháp, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, không mắc lỗi chính tả. Khuyến khích đoạn văn có những sáng tạo riêng.


2. Về nội dung


- Xác định được vấn đề nghị luận : Vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi chúng ta.


- Giải thích vấn đề : Gia đình là gì ?


Gia đình là tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái


- Bàn luận vấn đề: Vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi chúng ta.


+ Đối với cá nhân con người: Gia đình là điểm tựa, là bến đỗ bình yên của mỗi con người. Đặc biệt gia đình là cái nôi bồi dưỡng, hình thành nhân cách đạo đức con người.


+ Đối với cộng đồng xã hội : Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng tạo nên xã hội.


- Liên hệ và mở rộng:


+ Yêu quý và trân trọng mái ấm gia đình.


+ Phê phán thái độ sống không coi trọng gia đình, sống ích kỉ cá nhân….


Phần giải đề của anh Chí Hướng – admin "Học văn lớp 9":


Phần I:


Câu 1:

- Tác giả Huy Cận

- Năm sáng tác: 1958.


Câu 2:


- Các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên: “gió”, “trăng”, “mây”, “biển”.

- Tác dụng biện pháp tu từ nói quá:

+ Khiến hình ảnh con thuyền/đoàn thuyền mang tầm vóc lớn lao, kì vĩ.

+ Nhấn mạnh và khẳng định tư thế hiên ngang, tự do, làm chủ, sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ của những con người lao động.

+ Thiên nhiên và con người gắn bó, thiên nhiên giúp đỡ con người trong lao động.


Câu 3: 


Câu thơ: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.


Câu 4. Viết đoạn văn:


* Hình thức: đoạn văn diễn dịch (12 câu), có phép lặp và thành phần phụ chú (1,0 điểm)


* Nội dung: Cảnh kéo lưới, chuẩn bị trở về với không khí khẩn trương, gấp gáp (2,0 điểm)

- Sao mờ, đêm tàn cũng là lúc người dân chài kéo lưới kịp trời sáng.

- “Kéo xoăn tay” => cánh tay khỏe mạnh của con người lao động, họ kéo liên tiếp, kéo đến mức cơ bắp nổi cuồn cuộn. Chỉ có kéo mạnh mẽ, khỏe khoắn như vậy, thì mới có thể đưa được chùm cá nặng lên trên khoang thuyền.

- Nghệ thuật liệt kê “vẩy bạc đuôi vàng” => miêu tả những con cá tươi ngon lấp lánh sắc màu mắc vào lưới.

- Ẩn dụ “bạc”, “vàng” => thành quả lao động rực rỡ, đẹp đẽ nhất của con người lao động.

- Từ phía chân trời bắt đầu bừng sáng. Khi mẻ lưới được kéo lên, những con cá quẫy dưới ánh sáng của rạng đông và lóe lên màu hồng gợi khung cảnh thật rạng rỡ huy hoàng, tươi đẹp.

- Nhịp thơ 2/2/3 => không khí gấp gáp, khẩn trương. thôi thúc con người làm thật nhanh thật gọn để “đón nắng hồng”, để kịp trở về vào phiên chợ buổi sáng ngày hôm sau.

- “Nắng hồng” không chỉ là ánh nắng của một ngày mới, mà đó còn là ánh nắng của một cuộc đời mới, cuộc đời tràn đầy niềm vui. Con người lao động rất phấn khởi, họ vui trong lao động, và vui với thành quả lao động của mình.


Phần II:


Câu 1:


- Trong hoàn cảnh: Phan Lang gặp lại Vũ Nương trong động của Linh Phi.


- Từ “tiên nhân” để chỉ:

+ Câu trước chỉ cha ông, tổ tiên.

+ Câu sau chỉ Trương Sinh.


Câu 2:


 Bởi vì:

+ Nàng lo lắng cho phần mộ tổ tiên, không ai sửa sang, thắp hương.

+ Nàng vô cùng mong nhớ chồng con, khao khát trở về gặp lại.


Câu 3:


 Nghị luận xã hội: vai trò của tình cảm gia đình.


* Giải thích: Tình cảm gia đình là tình cảm trong mối quan hệ giữa những người thân cùng máu mủ, ruột rà, là điều thiêng liêng mà không ai có thể phủ nhận được.

* Vai trò: Gia đình có ý nghĩa và vai trò vô cùng đặc biệt đối với cuộc đời mỗi con người.

- Gia đình là mái ấm, là nơi ta được sinh ra, được sống và trưởng thành.

- Gia đình là điểm tựa tinh thần, là chỗ dựa vững chắc, là bến đỗ bình yên nhất trong cuộc đời con người.

- Gia đình là ngôi trường đầu tiên, bồi dưỡng và hình thành nhân cách cao đẹp.

( Lấy dẫn chứng cụ thể cho từng vai trò )

* Phê phán: Những người không biết quý trọng tình cảm gia đình, không có lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, quay lưng lại với gia đình của mình…

* Liên hệ bản thân.


PV/Báo Tin tức
Nóng: Đề thi môn Ngữ văn hỏi về 'Đoàn thuyền đánh cá' và 'Người con gái Nam Xương'
Nóng: Đề thi môn Ngữ văn hỏi về 'Đoàn thuyền đánh cá' và 'Người con gái Nam Xương'

Sáng ngày 7/6, thí sinh thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ Văn với thời gian làm bài 120 phút

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN